Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuốn tiểu thuyết của một đời say mê và trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Mạch nguồn" là cuốn sách đầu tiên về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên vừa hoàn thành khi nhà văn Nguyễn Trường Thanh bước vào tuổi xưa nay hiếm.

Cuốn tiểu thuyết của một đời say mê và trách nhiệm - Ảnh 1
Tôi lấy làm kinh ngạc vì không biết ông lấy đâu sức khỏe và thời gian để có thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn về nhân vật cách mạng huyền thoại như Phùng Chí Kiên? Bởi tôi từng biết trước đó, nhà văn đã xuất bản các tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu trong chuỗi dài tác phẩm như: Kỳ tích Chi Lăng (1980 - 1982), Hoa trong bão (1994), Tướng không phong hàm (1998, Nữ điệp báo Lạng thành (1999), Một thời biên ải tập I và II (2000 - 2008), Ngôi nhà của cha (2007), Hương ngàn (2008), Hoa bất tử (2009), Phò mã Động Giáp (2010), Dặm dài ải Bắc (2012).

"Mạch nguồn" cuốn hút tôi không phải vì những áng văn chương đẹp mà là những tư liệu đầy ắp về con người và cuộc đời hoạt động oanh liệt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Nhà văn đã sáng tạo không phải về hình tượng nghệ thuật Phùng Chí Kiên mà dựng nên chân dung con người huyền thoại này một cách chân thực bằng cả cuộc đời sóng gió, bão táp, hy sinh của ông.

Trong suốt 15 năm hoạt động cách mạng đầy sôi động trong nhiều hoàn cảnh cam go, khó khăn, nhất là thời gian Đảng ta mới ra đời, bị thực dân Pháp truy sát gắt gao đòi hỏi sự hy sinh cả tính mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên lúc nào cũng có tư duy mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, bền bỉ sát cánh cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng chỉ đạo cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chuẩn bị giải phóng đất nước. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết đưa đến cho bạn đọc những phát hiện mới mẻ, đó là trong những năm tháng gần gũi với Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hoạt động vô cùng tích cực và hiệu quả bên các tiền bối khác của Đảng như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Đình Giong, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ…, và sau này là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Lê Trọng Tấn…

Để có những tư liệu quý giá về đồng chí Phùng Chí Kiên, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã dành nhiều thời gian, công sức, phải sang Trung Quốc nhiều lần để tìm hiểu, sưu tầm, đánh giá, so sánh để xử lý tư liệu vào tiểu thuyết. Nhà văn đã hoàn thành tác phẩm này bằng cả trái tim và khối óc như một sự trả nghĩa cho những bậc tiên liệt và vùng đất biên ải đã nuôi dưỡng ông - một chàng trai Hà Nội gắn bó với xứ Lạng  suốt cả cuộc đời.

"Mạch nguồn" thuộc tiểu thuyết tư liệu, nhà văn có quyền hư cấu và sáng tạo. Nhân vật lịch sử hòa quyện với hình tượng văn học, nhưng có thể thấy tất cả những tư liệu lịch sử trong "Mạch nguồn" đều đảm bảo tính chính xác, phù hợp với những sự kiện, tư liệu lịch sử của Đảng, của đất nước. Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử, nhất lại là sáng tạo về các nhân vật nổi tiếng trong dòng lịch sử của dân tộc sẽ chịu nhiều áp lực, không phải nhà văn nào cũng lựa chọn. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh dường như suốt cuộc đời sáng tác của mình đã lựa chọn đề tài này và đã gặt hái khá nhiều thành công. Để xây dựng hình tượng văn học về các nhân vật lịch sử, nhất là các bậc tiền bối cách mạng để thế hệ sau được tiếp cận, đón nhận, đòi hỏi các nhà văn vừa phải có vốn sống, vừa có lòng đam mê, nhưng cao hơn hết là tình cảm, trách nhiệm công dân của họ. Nguyễn Trường Thanh đã lựa chọn con đường nhọc nhằn này như một duyên mệnh. Và thật đáng khâm phục, ở tuổi xưa nay hiếm, tiểu thuyết "Mạch nguồn" dày dặn, công phu của ông được NXB Văn hóa dân tộc xuất bản. Chắc chắn cuốn tiểu thuyết sẽ nhận được sự chào đón của bạn đọc.