Đại biểu Quốc hội:

Cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội đề xuất, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương.

Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Chống lãng phí trong sử dụng đất công

Thảo luận về công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập

Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.

“Để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội” - đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2017, nhưng chính sách về kinh tế lâm nghiệp chưa được quan tâm và phát triển tương xứng, nhất là đối với các địa phương quản lý diện tích đất rừng rất lớn nhưng chưa có nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng. Việc lãng phí tài nguyên rừng vẫn đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Đến nay chưa có cơ chế, chính sách về kinh tế rừng tương ứng để bảo vệ môi trường rừng và sinh thái rừng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để nâng cao năng lực cũng như tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng.

Bộ máy các Bộ sắp xếp vẫn còn cồng kềnh

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn tỉnh Bình Định) quan tâm đến vấn đề về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn tỉnh Bình Định) đánh giá, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ chưa đạt, bộ máy vẫn còn cồng kềnh
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn tỉnh Bình Định) đánh giá, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ chưa đạt, bộ máy vẫn còn cồng kềnh

Đại biểu phân tích, bộ máy nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngược lại, nếu bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí không chỉ là những giá trị có thể tính toán được mà nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài hơn, có thể làm lãng phí cơ hội phát triển đất nước.

Đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua đã rất tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chúng ta cũng đạt được nhiều chỉ tiêu vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ chưa đạt, bộ máy vẫn còn cồng kềnh.

Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề xuất: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, thông tin số liệu cụ thể hơn để có cơ sở đưa ra giải pháp kịp thời; đẩy nhanh tiến độ ban hành các quy định, Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở cho việc sắp xếp kiện toàn bộ máy, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, cho rằng nguyên nhân của vấn đề công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu là bởi cách xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính ngày nay còn chưa thống nhất, đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học.... đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn vị trí việc làm của công chức viên chức.

Thứ ba, về cải cách tiền lương, cho rằng đây là nội dung quan trọng được cử tri mong chờ, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, Bộ nội vụ, các bộ ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy làm tốt nhiệm vụ này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần