Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cựu chiến binh Nguyễn Thụ: Thời khắc về lịch sử hào hùng vẫn luôn hiện hữu

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Những thời khắc về lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội…”- cựu chiến binh Nguyễn Thụ chia sẻ.

Sáng nay, 10/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng.

Đại diện nhân chứng lịch sử, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thụ - cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong xúc động chia sẻ: "nhớ về ngày 10/10/1954, ngày mà chúng tôi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lòng tôi trào dâng bao kỷ niệm. Khi đó tôi vừa tròn 22 tuổi, mang trong mình đầy khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn quân tiên phong 308".

Đồng chí Nguyễn Thụ - cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đồng chí Nguyễn Thụ - cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Đồng chí Nguyễn Thụ chia sẻ: "Hiện tại, tôi đã bước sang tuổi 92, nhưng những thời khắc về lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui đậy mưu trí của quân ta qua sông Hồng đề lên Chiên khu Việt Bắc, thực hiện trường kỳ kháng chiến".

Trong phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Thụ cho biết, ông cùng với các chiến sĩ Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô thân yêu. Ai cũng phấn khởi và bồi hồi, xúc động. Trên đường trở về, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu vực Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

"Khi đó, mỗi chiến sĩ chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc "Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ", đó thực sự là niềm vinh dự và vô cùng tự hào. Chúng tôi ai cũng nâng niu, trân trọng gắn chiếc huy hiệu ấy lên ngực, gần trái tim của mình, coi đây là kỷ vật vô giá, gìn giữ suốt đời và truyền lại cho con cháu mai sau"- đồng chí Nguyễn Thụ chia sẻ.

Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hàng chục vạn người dân tưng bừng đổ ra đường, mặc những trang phục đẹp nhất, mang cờ, hoa, hân hoan, tự hào hát vang đón chào đoàn quân chiến thắng. Thời khắc lịch sử huy hoàng năm ấy mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của mỗi người con Hà Nội.

Ngày Thủ đô được giải phóng, không chỉ trở thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước mà còn là sự tiếp nối vẻ vang của truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội.

"Sau 70 năm nhìn lại, chúng tôi, những người lính năm xưa vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. Nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, đời sống ngày một ấm no. Chúng tôi luôn tâm niệm: mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ hơn"- đồng chí Nguyễn Thụ xúc động nói.

Không khí rộn ràng tại Lễ Kỷ niệm
Không khí rộn ràng tại Lễ Kỷ niệm

Đồng chí Nguyễn Thụ nhắn gửi tới các thế hệ trẻ hôm nay: "để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn và hy sinh cả xương máu để giành được độc lập, tự do. Các cháu hãy mãi ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu", để từ đó các cháu biết trân trọng, nâng niu và ra sức học tập, lao động, cống hiến, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.