Chặt ngón tay viết đơn tự nguyện đi nhập ngũ
Trong những ngày giao mùa thất thường của thời tiết Hà Nội, cựu chiến binh Ngô Xuân Tự tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ in hằn nếp nhăn của năm tháng trên khóe mắt. Nhìn vào bóng dáng khỏe mạnh ấy, ít ai biết rằng ông là người đã từng “vào sinh, ra tử”, chiến đấu quật cường với khói lửa bom đạn hàng chục năm. Nay dù tóc đã điểm bạc nhưng vẫn giữ được dáng người chắc nịch, giọng nói sang sảng, ấm áp đậm chất bộ đội cụ Hồ.
Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự chia sẻ những tấm huân chương mà bản thân đã đạt được |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Ngô Xuân Tự nộp đơn xin tham gia nhập ngũ. Bị từ chối vì chưa đủ tuổi nhưng với lòng yêu nước mãnh liệt, ông Tự đã lấy dao, chặt ngón tay trỏ của mình rồi rút chiếc khăn trắng viết đơn. Chính bởi hành động lì lợm, gan dạ đó, ông đã được huyện đặc cách cho trúng tuyển nghĩa vụ. Và sau này, chàng trai ấy đã được đặt biệt danh là “dũng sĩ diệt Mỹ” và nhận rất nhiều các phần thưởng cao quý của Trung ương, thành phố.
Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, ông vẫn luôn trăn trở, đau đáu khi có nhiều đồng đội hy sinh chưa tìm thấy phần mộ, bơ vơ nơi đất khách quê người. Người cựu chiến binh này lập tức rong ruổi mọi nẻo đường để tìm kiếm mộ của các đồng đội, giúp các liệt sĩ được về với gia đình, quê hương, nguồn cội. Đến nay vẫn có nhiều gia đình gửi thư về cho ông với mong muốn tìm lại được hài cốt của người thân mình.
Người cha của những mảnh đời bất hạnh
Hết lòng với công tác thiện nguyện, ông Ngô Xuân Tự còn mở một xưởng in để cưu mang, động viên và dạy nghề cho những mảnh đời cơ cực, những bạn trẻ lầm lỡ giẫm chân vào “bùn lầy”, khuyên nhủ những người có ý định tự tử quay về làm lại cuộc đời.
Ông trở thành một giám đốc không lương, hướng dẫn, dạy dỗ mọi người cẩn thận, tỉ mỉ bằng cả tấm lòng yêu thương của mình. Những học viên ở đây đa số có hoàn cảnh đặc biệt, không may mắn hoặc bị câm điếc bẩm sinh. Cả xưởng in ấy chính là một gia đình của "bố Tự và những đứa con vô cùng đặc biệt". Thay vì làm ở xưởng in, mọi người được ông Tự giới thiệu vào cơ sở may quần áo trẻ em của chị Thoa, ở gần nhà ông.
Ông Ngô Xuân Tự đến xưởng may thăm các học viên |
“Ông Tự là một người rất tốt bụng, giúp đỡ người khác từ cái tâm, không tính toán. Ông hỗ trợ tôi cùng các bạn ở đây rất nhiều và được mọi người xung quanh kính nể, tôn trọng” - chị Thoa đang theo học ở đây chia sẻ.
Chứng kiến niềm vui, hào hứng của mọi người khi được ông Tự đến thăm, chúng tôi tin rằng bất cứ ai cũng sẽ thấy ấm lòng và trân trọng tình cảm đẹp đẽ này. Những đứa trẻ ấy mới ngày nào còn bất cần đời nay đã trưởng thành khôn lớn, rong ruổi mọi miền đất nước, quay lại báo hiếu và cùng ông mang những đồng tiền do tay mình làm ra để tiếp tục cưu mang những mảnh đời bất hạnh.
Chuyến xe thiện nguyện ươm mầm yêu thương
Hiện tại, ông Ngô Xuân Tự vẫn lặng lẽ ấp ủ những chương trình thiện nguyện của mình. Suốt những năm qua, ông đã đi nhiều vùng miền của Tổ quốc, trao yêu thương, hạnh phúc, ấm no cho mọi người. Ông Tự không nhận tiền, mà nhận vật phẩm. Sau đó, ông xin thông tin người ủng hộ để người nhận gọi điện cảm ơn. Cứ như vậy, mỗi người một ít cùng nhau giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Người cựu chiến binh cụ Hồ luôn đặt hai chữ “tâm” và “đức” lên hàng đầu. Ông Tự chia sẻ rằng: “Tâm và đức khiến cho chúng ta sống thanh thản, nhẹ lòng hơn rất nhiều. Và với tôi, những người mắc sai lầm thì họ cũng là con người, cho nên đừng xa lánh, dè bỉu họ mà hãy lôi họ ra khỏi vũng bùn lầy, cùng nhau giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Nếu được như vậy, xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp và đáng sống hơn rất nhiều”.
Trời Hà Nội trong những ngày mưa phùn âm u, nhưng câu chuyện của người cựu chiến binh Ngô Xuân Tự lại khiến cho chúng tôi thấy thật ấm lòng. Mảnh vỏ lựu đạn năm xưa vẫn nằm trong trán ông, mỗi khi trái gió trở trời nó lại khiến ông đau nhức, nhưng ông vẫn nở những nụ cười thật tươi và tiếp tục lặng lẽ ấp ủ những dự án thiện nguyện tiếp theo của mình.