TAND TP HCM dự kiến ngày 19/7 mở phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là một trong 8 đại án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam Phạm Công Danh. |
Đồng phạm tích cực giúp sức cho ông Danh là dàn lãnh đạo cấp dưới của VNCB gồm Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn). Liên quan đến vụ án còn có hơn 30 bị cáo nguyên là cán bộ VNCB và lãnh đạo, nhân viên nhiều công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các công ty đối tác của VNCB. Theo cáo trạng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB. Cụ thể, khoảng tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát. Giữa năm 2013 và đầu 2014, ông Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng. Cáo trạng thể hiện, từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, ông Danh chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB. Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Chủ tịch Danh. Có tiền, ông Danh chuyển trả Bích hơn 9.600 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó, trả cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.000 tỷ đồng, hơn 4.500 tỷ còn lại chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để trả nợ, đảo nợ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã xong thủ tục tất toán. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, số tiền gần 5.200 tỷ đồng đã bị rút khỏi VNCB từ tài khoản của Bích nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra để chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì. Vào tháng 5/2013, dù báo cáo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng ông Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu. Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, ông Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng. Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và ngân hàng khác, Danh đã chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ cho Ngân hàng BIDV, nhóm Phũ Mỹ, nhóm của Trần Ngọc Bích. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể. Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ. Như vậy, tổng cộng trong vụ án này, Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng Việt Nam. Liên quan đến những sai phạm của cựu chủ tịch Danh, cơ quan chức năng còn tách hành vi rút hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB đem gửi tại 3 ngân hàng, nhằm bảo lãnh 29 lượt vay của các công ty nhà ông Danh, sang vụ án khác. 4 bị can khác gồm Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là thành viên Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan cũng được tách ra, điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi hai lãnh đạo cao nhất của VNCB bị bắt tháng 7/2014, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại toàn bộ cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) được chỉ định tham gia quản trị, điều hành VNCB. Mới đây, trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2016 của Ban Nội chính trung ương, ông Đinh Thế Huynh - thường trực Ban Bí thư - yêu cầu Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam; sớm kết thúc điều tra để truy tố, xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần bị tòa phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại) và khẩn trương truy tố, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty dịch vụ Agribank.