Tiến sĩ Phan Quốc Việt. |
Cha mẹ bao bọc khiến con ỉ lại, thụ động
Ngay sau khi một số trường đại học, cao đẳng công bố điểm chuẩn, trên các trang mạng xã hội bắt đầu lan truyền những tâm thư của một số cựu học sinh cho hay mình trúng tuyển, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không thể đi học. Một số khác, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đã có suy nghĩ phải theo học cho bằng được các ngành an ninh, cảnh sát, công an… để được “bao” học phí và lo “đầu ra” khi tốt nghiệp. Mặc dù, bản thân các em không yêu thích những ngành, nghề này. Đa số chưa tính đến phương án “vay để học” hoặc chọn một ngành học nào đó chi phí thấp hơn.
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, TS Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group cho rằng, lâu nay, rất ít gia đình, học sinh có tư tưởng vay tiền đi học. Bố mẹ “thắt lưng buộc bụng”, “bóp mồm bóp miệng”, thậm chí ốm đau phải “nhịn” cả thuốc để có tiền cho con đi học. Đó là quan niệm sai ở gia đình. Trong khi, chuyện vay tiền đi học rất phổ biến trên thế giới. Việt Nam có quỹ cho người đủ 18 tuổi vay đi học khoảng chục năm nay. Ở nhiều nước trên thế giới, người từ 16 tuổi được vay tiền đi học, bố mẹ có tiền cũng không cho. Còn ở nước ta, cha mẹ chu cấp nhiều càng tốt, gia đình đại gia phải ở sang gấp mấy lần người bình thường. Chính đều đó khiến các sinh viên ỉ lại và thụ động. Nhà giàu cũng phải đi làm thêm Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho rằng, ngoài vay tiền đi học, sinh viên có thể tự lực cánh sinh bằng cách đi làm thêm ngoài giờ học. Tại các TP lớn, không thiếu việc làm thêm cho sinh viên. Đặc biệt, làm thêm sẽ giúp các em thu nạp kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống… Điều này còn quan trọng hơn kiến thức sách vở. “Cứ cắm mặt vào sách vở cũng không tốt, sinh viên của các ngành kinh tế, dịch vụ như du lịch, thương mại thì nhất thiết phải thực hành từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường”- TS Phan Quốc Việt nhấn mạnh. Sinh viên làm thêm công việc gia sư. |
Ở Mỹ, nếu bạn muốn vào một trường đại học thì kiến thức phổ thông chỉ là điều kiện tối thiểu phải có. Họ ưu tiên học sinh có kinh nghiệm thực hành, làm công tác từ thiện, công tác xã hội… Đây là những kỹ năng sinh tồn giúp một người trưởng thành có thể sống tự lập ngay cả khi không được cha mẹ bao bọc. “Để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được đi làm và tự lực cánh sinh, tôi cho rằng, nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các DN, tổ chức, hiệp hội để họ cùng với nhà trường chung tay đào tạo kỹ năng cho sinh viên”, ông Việt góp ý. Chẳng hạn, hiện nay, khoảng tháng 2 đến tháng 3 hàng năm Tâm Việt Group nhận đào tạo miễn phí, bao ăn cho một số sinh viên, trả phụ cấp hỗ trợ, đến tháng 7, các em phải làm việc cho chúng tôi trong thời gian nghỉ hè. Nếu Nhà nước có chính sách như giảm thuế, chắc chắn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho nhiều sinh viên được làm thêm và thực hành tại tâm Việt Group hơn nữa. Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group cho rằngm sinh viên nhà giàu cũng phải đi làm thêm. Chúng ta cần thay đổi quan niệm rằng, sinh viên là đối tượng của giáo dục, chủ thể là gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tế, chỉ khi nào sinh viên là chủ thể của giáo dục, các em mới chủ động học tập và làm việc. Ngay từ nhỏ, phải dạy trẻ cách tự lập, đừng o bế chúng theo kiểu ngã thì bảo: “Đánh chừa đất làm ngã cháu bà”. Chính cách giáo dục đó đã khiến trẻ quen đổ tại người khác, không bao giờ nhận trách nhiệm về mình. Mà như thế, chúng sẽ không phấn đấu để vươn lên, không cố gắng vượt qua ngoại cảnh, cái gì cũng đổ tại… người khác. “Thế nên, ngay cả khi cha mẹ chiều chuộng, các em vẫn phải thật tỉnh táo. Hãy là những chiến binh đại bàng, biến bất lợi thành sức mạnh, mượn sức gió để vươn cao”- TS Phan Quốc Việt đưa ra lời khuyên.