70 năm giải phóng Thủ đô

Đã cân đối được 11.000 tỷ đồng để tăng lương từ tháng 5/2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016, trong đó đưa nội dung sử dụng 11.000 tỷ đồng để tăng lương cơ bản 5% từ 1/5/2016.

Ngày 11/11, Quốc hội sẽ chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (ĐBQH đoàn Lai Châu) cho biết, Nghị quyết đã đưa nội dung sử dụng 11.000 tỷ đồng để tăng lương cơ bản 5% từ 1/5/2016.
Đã cân đối được 11.000 tỷ đồng để tăng lương từ tháng 5/2016 - Ảnh 1

Đại biểu Bùi Đức Thụ.

Ông Bùi Đức Thụ khẳng định, việc điều chỉnh chính sách tiền lương là cần thiết và cấp bách. Năm nay, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn. Tuy nhiên, khi đã tính toán cơ cấu lại ngân sách, tính toán lại nguồn, có thể làm được thì chúng ta tiến hành ngay. Trường hợp nếu không cân đối được, thì phải theo dõi từ nay đến cuối năm xem tình hình ngân sách nhà nước như thế nào, từ đó Chính phủ xây dựng phương án tăng lương có tính chất khả thi.

PV: Xin ông có thể cho biết 11.000 tỷ đồng này lấy từ nguồn nào?

Ông Bùi Đức Thụ: Hiện tại, đối với việc điều chỉnh chính sách tiền lương, ngoài việc tăng lương như năm 2015 cho những người nghỉ hưu và đối tượng có thu nhập lương thấp dưới bậc 2,34 thì việc tăng 5% lương cơ sở vào tháng 5/2016 đòi hỏi chi khoảng 11.000 tỷ đồng.

Để xử lý vấn đề đó, chúng ta phải cơ cấu lại chi. Trong đó thực hiện theo ý kiến của ĐBQH, là rà soát lại và thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, đặc biệt cắt giảm 30% đối với hội nghị, hội thảo, đoàn ra, một số lĩnh vực mua sắm chưa thật cần thiết. Rà soát lại đối với đầu tư. Những dự án nào chưa thật cần thiết, cấp bách có thể điều chỉnh. Đặc biệt, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên.

Đối với chi trả nợ, giữ nguyên mức đó và bội chi ngân sách nhà nước vẫn giữ nguyên mức 254.000 tỷ đồng, không tăng. Với tinh thần triệt để tiết kiệm, nhất là những khoản chi đã bố trí được nguồn, để thực hiện cải cách tiền lương.

Trong hơn 11.000 tỷ đồng này, hơn một nửa là từ ngân sách địa phương. Phần lớn các địa phương là đủ, chỉ còn những địa phương nghèo, không cân đối được thì ngân sách Trung ương mới phải lo. Còn ngân sách Trung ương phải lo đối với các Bộ ngành, nặng nhất là đối với quốc phòng an ninh. Trên cơ sở này có thể thực hiện được.

Các Bộ cũng đã thống nhất trình Quốc hội phương án cải cách tiền lương, nâng lương cơ sở như trên. Như vậy, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng. Bộ Tài chính xác định đã có nguồn hơn 4.000 tỷ đồng.

PV: Đối với đề xuất khoán xe công để tiết kiệm lấy tiền tăng lương như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Chúng ta đẩy mạnh thực hiện khoán xe công với những đối tượng được hưởng chế độ xe công. Coi đây là một giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên. Hình thức khoán có hiệu quả hơn, cần khuyến khích, còn cách tổ chức thực hiện thế nào đó để mở rộng diện khoán cần rà soát lại.

PV: Tại sao chúng ta vẫn giữ quan điểm chưa cân đối được ngân sách để tăng lương trong suốt 4 năm qua?

Ông Bùi Đức Thụ: Quả thực cân đối ngân sách nhà nước năm nay cực kỳ khó khăn. Chúng ta phải giảm bội chi, và với phương án bội chi 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP tôi cho đó là cố gắng. Thu giảm, nhưng áp lực chi tăng. Chỉ riêng điều chỉnh chuẩn nghèo, đã làm phát sinh tăng chi cho an sinh xã hội lên 18.000 tỷ đồng.

Bây giờ nếu điều chỉnh tiền lương chỉ tăng ở mức thấp, chỉ có 5% lương cơ sở thì đã tăng lên 11.100 tỷ đồng và rất nhiều áp lực khác. Ngay cả chi trả nợ năm nay cũng bố trí khá hơn năm ngoái là 155.000 tỷ đồng, tuy có giảm hơn so với năm 2015 (125.000 tỷ), nhưng vẫn còn đọng nợ đến 95.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được cân đối đó trong điều kiện thu như vậy, chúng ta đã phải huy động các nguồn lực khác để bổ sung. Ví dụ sử dụng 30.000 tỷ đồng bán cổ phần của nhà nước trong các doanh nghiệp để bổ sung nguồn chi cho năm 2016. Chúng ta phải cho phép sử dụng quỹ làm lương của một số tỉnh mà dư thừa, sử dụng 12.000 tỷ đồng để bổ sung chi đầu tư cho 2016.

Chúng ta yêu cầu trong năm 2015, các tỉnh vượt thu ngân sách địa phương phải dành ít nhất 4.700 tỷ đồng sang năm 2016. Tất cả những nguồn  này mới giữ được mức cân đối thu – chi như vậy.

Tuy nhiên áp lực làm lương lúc đầu là rất khó. Nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng đó là cần thiết và cấp bách, cần xử lý mạnh hơn, nhất là tình trạng nợ đọng thuế hiện nay trên 76.000 tỷ đồng, trong số đó một nửa có khả năng thu được.

Bởi vì lộ trình làm lương của chúng ta đã chậm rồi, cho nên đây là vấn đề cấp thiết. Người hưởng lương tương đối nhiều, trong đó đa số thu nhập bằng lương là chính. Trong điều kiện giá cả hiện nay, nhất là y tế, giáo dục tăng thì mức sống của họ hết sức khó khăn. Cải cách tiền lương lần này là thấp, chỉ 5% so với 8% như những lần trước, nhưng đây là cố gắng lớn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.