Đã có lời giải cho bài toán xăng, dầu?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị tăng tổng dự trữ quốc gia xăng, dầu lên tối thiểu 90 ngày; rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng, dầu, thương nhân phân phối.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế, bởi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm ổn định nguồn cung xăng, dầu trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục, khó lường.

Một cửa hàng bán xăng dầu tại quận Cầu Giấy. Ảnh Thanh Hải
Một cửa hàng bán xăng dầu tại quận Cầu Giấy. Ảnh Thanh Hải

Khó điều hành khi dự trữ xăng, dầu thấp

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về kiểm tra công tác dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia đối với mặt hàng xăng, dầu cuối tuần qua, Petrolimex kiến nghị cần tăng tổng dự trữ quốc gia về mặt hàng này lên tối thiểu là 90 ngày.

Lý giải về đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex.

Hiện, Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các công ty xăng, dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng, dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia còn thấp.

 

Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch hệ thống kho xăng, dầu đến 2030 tầm nhìn 2045 thay thế quy hoạch cũ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Chính phủ sửa đổi cơ chế bảo quản xăng, dầu dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, sẽ hoàn thiện trình lại Thủ tướng Chính phủ phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng, dầu trong tháng 10 này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Để đảm bảo việc các đầu mối xăng, dầu thực hiện đúng các nghĩa vụ trong việc nhập khẩu và bán xăng, dầu theo đúng quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ông Phạm Văn Thanh kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng, dầu và thương nhân phân phối để tăng khả năng kiểm soát của Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối.

Thông tin về tình hình dự trữ lưu thông xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, trong 5 năm qua, các DN đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa. Song, có những thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước bị gián đoạn như hồi đầu năm nay, lượng dự trữ của DN không đạt, nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ.

Điều này dẫn đến tình trạng có thời điểm nhiều cây xăng treo bảng hết xăng, tạm thời đóng cửa. Lý do là DN phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng. Trong khi giá bán xăng, dầu do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, DN phải giảm tối đa hàng lưu kho.

Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, dự trữ xăng, dầu quốc gia hiện không có kho riêng mà đa số gửi vào kho dự trữ thương mại của các DN đầu mối. Dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân 5 năm qua đạt hơn 370.000m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương với 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ xăng, dầu quốc gia lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.

Tăng dự trữ nguồn cung

Các chuyên gia đánh giá, việc nâng mức dự trữ xăng, dầu quốc gia là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Nhấn mạnh về giải pháp nâng mức dự trữ xăng, dầu, TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, là huyết mạch của nền kinh tế, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất.

Trên thế giới, hiện có khoảng 29 nước quy định phải dự trữ xăng, dầu quốc gia đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho nền kinh tế. Đối với Việt Nam, mức dự trữ chỉ 5 - 7 ngày là quá ít, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tạo ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế.

Khách hàng mua xăng dầu trên phố Thụy Khuê.
Khách hàng mua xăng dầu trên phố Thụy Khuê.

Đồng quan điểm, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, cần thiết phải nâng mức dự trữ xăng, dầu lên ít nhất 1 - 2 tháng, thậm chí là 3 tháng tùy điều kiện kinh tế của Việt Nam. Hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 21 triệu lít xăng, dầu, một con số rất lớn, trong khi kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Thời gian tới nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của Việt Nam cũng tăng lên nên dự trữ xăng dầu quốc gia cũng bắt buộc phải nâng lên mức tương ứng. Nếu không sớm thực hiện, thị trường xăng, dầu trong nước sẽ tiếp tục lúng túng khi có biến động về giá, biến động về tình hình địa chính trị thế giới, thiên tai, cấm vận...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề xuất, Nhà nước cần đầu tư sớm xây dựng kho dự trữ xăng, dầu quốc gia chứ không gửi trong kho của DN như hiện nay. Bởi gửi dự trữ xăng, dầu quốc gia vào trong hệ thống kho của DN rất bất cập, khó kiểm tra, khó quản lý. Việc chứa chung bồn bể với xăng, dầu kinh doanh cũng khó khăn trong quản lý hoạt động nhập, xuất, luân phiên đổi hàng và khó xác định chính xác tỉ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia trong quá trình nhập, xuất, bảo quản.

“Việc đầu tư kho dự trữ sẽ tốn một nguồn kinh phí rất lớn, song đổi lại sẽ được cái lâu dài hơn chính là sự ổn định nguồn cung xăng, dầu cho thị trường. Nó sẽ góp phần ổn định giá xăng, dầu một cách chắc chắn hơn trước” - TS Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.

Về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận, để dự trữ xăng, dầu, phải đầu tư một cơ sở hạ tầng riêng, phải có hệ thống kho bãi đạt chuẩn bởi xăng, dầu là loại hàng hóa cần bảo đảm an toàn trong lưu trữ chứ không thể hoàn toàn trông cậy vào các DN đầu mối. Việc dự trữ quốc gia nằm trong khu dự trữ thương mại của DN đầu mối là không phù hợp và cần tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Như vậy, ngoài nguồn tài chính xây hệ thống hạ tầng dự trữ, vấn đề cần tính là nguồn ngoại tệ lớn để bỏ ra mua dự trữ xăng, dầu, giúp thị trường trong nước ổn định trước những biến động giá thế giới.

Siết chặt doanh nghiệp đầu mối

Song song với việc tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần phải rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng, dầu và thương nhân phân phối nhằm tăng khả năng kiểm soát Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối.

Các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong hoạt động điều phối kinh doanh từ thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ bộc lộ nhiều yếu điểm. Một số thời điểm chưa cung ứng xăng, dầu kịp thời đến những nơi cần thiết, dự trữ thương mại có lúc chưa bảo đảm về khối lượng và thời gian theo đúng quy định.

TS Vũ Đình Ánh khuyến nghị, Bộ Công Thương cần tích cực rà soát, quyết liệt thanh kiểm tra, quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng, dầu và thương nhân phân phối để đảm bảo các đầu mối thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo Nghị định 95. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần chú trọng điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông xăng, dầu; lực lượng quản lý thị trường tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, thực tế trên đặt ra đòi hỏi chính sách cần hợp lý hơn, tránh thiệt thòi cho DN. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt kỷ cương hơn, tránh việc giá sắp giảm mạnh, DN giảm nhập hàng, giảm tồn kho để tránh lỗ, ngược lại, khi giá sắp tăng, DN đua nhau nhập về. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phải công bố đầy đủ, chính xác và công khai minh bạch các thông tin liên quan đến những vi phạm của DN, đảm bảo tính thuyết phục với các bên liên quan.

Trước mắt, Bộ Công Thương cần chỉ đạo Sở Công Thương yêu cầu DN đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn 63 tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống đóng cửa, không bán hàng hoặc bán hàng hạn chế do thiếu hàng. Các DN đầu mối có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống xăng, dầu bao gồm các cửa hàng bán lẻ trực thuộc vào các thương nhân đại lý, thương nhân nhượng quyền thương mại.

DN đầu mối xăng, dầu phải đảm bảo cung cấp hàng đầy đủ, đúng hợp đồng đã ký với thương nhân phân phối; chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý bán lẻ xăng, dầu một cách hợp lý. Cùng với đó, DN đầu mối phải báo cáo chi tiết về sản lượng dự kiến xăng, dầu sẽ cung ứng cho thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023.