Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã có Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Lễ tân và Phục vụ buồng

Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhteodthi - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-LĐTBXH về Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Lễ tân và Quyết định số 1385/QĐ-LĐTBXH về Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ buồng.

Được biết, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ buồng và nghề Lễ tân do Bộ VHTTDL tổ chức xây dựng, Bộ LĐTB&XH công bố theo Quyết định số 1383/QĐ-LĐTBXH và số 1385/QĐ-LĐTBXH ngày 31/8/2017, sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nghề Lễ tân và Hội đồng thẩm định nghề Phục vụ buồng.
 Đã có Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Lễ tân và Phục vụ buồng.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ buồng và nghề Lễ tân được xây dựng với nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành Du lịch tại Việt Nam cũng như tương thích với Tiêu chuẩn năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN (gọi tắt là tiêu chuẩn ASEAN), đáp ứng được các yêu cầu của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về du lịch trong ASEAN (gọi tắt là MRA-TP) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong quá trình xây dựng có tham khảo nội dung Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) do Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội (gọi tắt là Dự án EU) do Liên minh châu Âu tài trợ đã được Tổng cục Du lịch thông qua vào tháng 1/2014, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Du lịch tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ buồng và nghề Lễ tân đề cập những chuẩn mực thực tiễn tối thiểu tốt nhất đã được thống nhất để thực hiện công việc trong lĩnh vực du lịch/khách sạn, bao gồm cả các yêu cầu pháp lý (pháp luật, sức khỏe, an toàn, an ninh). Tiêu chuẩn cũng xác định rõ những gì người lao động cần biết và làm được cũng như cách thức thực hiện công việc của họ để có thể hoàn thành chức năng của nghề trong bối cảnh môi trường làm việc.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ buồng và nghề lễ tân  được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực và phù hợp để sử dụng tại: Các cơ sở du lịch trong việc sử dụng, đào tạo nâng cao năng lực của người lao động; Các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng chương trình theo các trình độ đào tạo; Các cơ quan quản lý nhân lực và doanh nghiệp trong việc đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.