Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng hóa thị trường, giữ vững đà xuất siêu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam vẫn xuất siêu 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tận dụng tốt thời cơ, phát huy năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu những tháng cuối năm và mục tiêu cán mốc 300 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được.

Xuất siêu trong khó khăn
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,8 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%. Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) lý giải, việc xuất siêu của Việt Nam phụ thuộc diễn biến thị trường quốc tế, với quan hệ cung - cầu là yếu tố quyết định.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao chủ yếu do các DN đã sớm ký được đơn hàng từ năm 2019, nhất là nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
 Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Đáng nói, đến nay, Việt Nam đã đi qua thời kỳ tập trung đầu tư cho nền tảng sản xuất gồm dây chuyền máy móc, công nghệ ban đầu, nên mức độ nhập khẩu không nhiều như trước, chủ yếu chỉ còn nguyên, phụ liệu trong nước chưa tự đáp ứng được. Bên cạnh đó, những khoản đầu tư cho xây dựng hạ tầng, phục vụ sản xuất đang ngày càng phát huy hiệu quả và đóng góp vào giá trị xuất khẩu.
Tạo động lực cho xuất khẩu
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Mặc dù Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, để giữ vững đà xuất siêu không phải là dễ, đòi hỏi các cấp, ngành, cộng đồng DN phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể như: Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu...
Ngoài ra, theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có đến 70% số mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để có thể cán mốc 300 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ xuất khẩu khi trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong những tháng cuối năm, ngành công thương cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình thế giới. Tuyệt đối không chủ quan mà phải luôn chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.
Thực tế hiện nay, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản.
Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày; tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và EVFTA đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 để thúc đẩy xuất khẩu.
“Bộ đã chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và khôi phục thị trường” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

"DN nên chủ động phát huy bài học của việc tìm, ký hợp đồng xuất khẩu sớm để "gối đầu", bảo đảm tốc độ xuất khẩu như từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc các DN tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới" - Chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi.


"Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hàng hóa khác vào thị trường có sức mua cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của mỗi đơn vị xuất khẩu là rất cần thiết, đòi hỏi sự nghiêm túc, bài bản. Vì nếu không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nhất là về tiêu chuẩn và xuất xứ thì khó tận dụng được cơ hội" - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải.