Đã đến lúc cụ thể hóa phương châm “dân kiểm tra”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tin tưởng vào quyết tâm chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết T. Ư 4 đã đề ra, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Người dân đang chờ đợi và hy vọng vào quyết tâm của những người đứng đầu trong công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này.

Nghị quyết T.Ư 4 có nhận định: Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo Giáo sư, nhận định trên đã đúng và sát với thực tế hiện nay chưa?

- Tôi cho rằng đây là một nhận định xác đáng và mang tính cách mạng trong hoàn cảnh hiện nay. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Về tính chất, là nghiêm trọng, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục. Về phạm vi, là tương đối phổ biến, có ở các cấp, các ngành. Về xu hướng, là diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được...

Việc Đảng nhận ra những suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng là một sự dũng cảm và khiến nhân dân thêm tin yêu Đảng. Tuy nhiên, băn khoăn của mọi người là liệu ai sẽ đủ can đảm vạch ra một bộ phận không nhỏ ấy? Tôi cho rằng nên dựa vào quần chúng nhân dân tại từng cơ sở Đảng. Quần chúng nếu được Đảng thật sự hỏi đến và đảm bảo sẽ xử lý nghiêm minh những phần tử thuộc cái bộ phận không nhỏ ấy, đồng thời đảm bảo không có bất kỳ hành động trù dập nào, chắc chắn là không có quan tham  nào lọt qua được mắt của quần chúng. Dân gian đã có câu vè "Thập nhị quyền" để miêu tả những quan chức vừa kém tài vừa kém đức, nghe thật chua xót: Bằng có người vực; Chức có người bầu; Mầu có người gói; Nói có người nghe; Đe có người sợ; Dở có người khen; Hèn có người giấu... Chúng ta cứ dựa vào các tiêu chí này sẽ tìm ra vô khối con sâu đang làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Lòng tin ấy vốn có từ lâu và rất sâu đậm. Nói là suy giảm có nghĩa là nhân dân còn chưa mất lòng tin. Bởi trong số trên 3 triệu đảng viên ở nước ta, đa số vẫn là những con người sống chân thật, không chạy theo tiền tài, địa vị và luôn được mọi người tin yêu, kính nể.

Thực tế không phải bây giờ Đảng mới có Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, nhưng theo Giáo sư, tại sao công tác này vẫn chưa đạt được kết quả và liệu Nghị quyết T.Ư  4 lần này có tránh  được những hạn chế của các Nghị quyết trước?

- Đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích rất rõ: Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Tôi luôn nhớ và muốn nhắc lại một lời dặn rất quan trọng của Bác Hồ: Đảng phải luôn luôn xét lại những Nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, tôi kiến nghị một trong những việc cần làm ngay là xem xét để nghiêm trị những người đã phạm khuyết điểm trong sự việc thu hồi đất đai trái pháp luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng), bất kể đó là cán bộ cấp nào trong Đảng. Nhân dân đang chờ đợi sự nghiêm minh của Đảng trong sự việc này, một sự việc tuy nhỏ nhưng đã gây bức xúc gay gắt trong nhân dân cả nước và có thể trở thành bài học sinh động trong quan hệ với dân ở mọi nơi, mọi cấp.

Vậy theo giáo sư việc ra đời Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng có ý nghĩa như thế nào đối với vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng và đời sống xã hội?

 - Đảng ta là đảng cầm quyền, một đảng có lịch sử đấu tranh rất anh dũng để đem lại một đất nước độc lập, thống nhất với biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cộng sản trong suốt chặng đường kháng chiến chống ngoại xâm. Vào thời điểm này, chúng ta càng cần phải khẳng định mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng và ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Tôi không băn khoăn gì về chuyện nước ta chỉ có một Đảng, nhưng cũng như mọi người dân khác tôi mong muốn mỗi Đảng viên phải thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ: Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đang rất tin tưởng, kỳ vọng vào Nghị quyết T.Ư 4, vậy cá nhân giáo sư trông đợi điều gì ở Nghị quyết và để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, cần phải có điều kiện gì?

- Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng, nhất là thấy Bộ Chính trị T.Ư Đảng đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc, phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị quyết T.Ư 4 trong ba ngày liền nhằm tổ chức thảo luận chỉ thị và kế hoạch để có thể đưa Nghị quyết quan trọng này vào thực tiễn cuộc sống. Đảng đã nhìn thấu suốt tầm quan trọng của một cuộc đột phá mới trong công tác xây dựng Đảng. Việc đó khiến đông đảo nhân dân rất phấn khởi và kỳ vọng. Tôi mong muốn các biện pháp mà Hội nghị T.Ư 4 đã đề ra cần quán triệt đến từng chi bộ ở mọi ngành, mọi cấp.

Đây cũng là lúc Đảng cần cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, một phương châm mà lâu nay hình như bị bỏ quên trong thực tiễn đời sống. Tôi rất mừng khi thấy Chỉ thị số 15-CT/TW đã quy định: Định kỳ hàng năm, cấp ủy, tổ chức Đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết , đóng góp ý kiến. Nếu làm tốt đúng như vậy thì tôi tin rằng nhân dân sẽ không còn thấy lặp lại những sự kiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền như thời gian qua.

Xin cảm ơn Giáo sư!