Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã đến lúc phải đẩy mạnh xử phạt hành vi xả rác bữa bãi

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi xả rác không đúng nơi quy định, tiện đâu vứt đấy đã trở thành thói quen xấu trong một bộ phận không nhỏ dân cư đô thị Hà Nội. Điều đáng nói, quy định xử phạt hành vi này đã có nhưng lâu nay gần như không được thực hiện.

Tiện đâu vứt đấy

Tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định dường như đã trở thành một “căn bệnh” trầm kha của không ít người dân Hà Nội. “Căn bệnh” này lan rộng, ăn sâu ở mọi tầng lớp, lứa tuổi từ già đến trẻ, người có học thức đến lao động giản đơn. Giữa Thủ đô có tiếng là văn minh, hiện đại nhưng đi đến đâu cũng có thể bắt gặp rác thải, nước thải vương vãi khắp hè đường, ngõ phố. Theo thống kê của các đơn vị VSMT, mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn rác. Đó chỉ là con số tương đối, phản ánh khối lượng rác mà các công nhân VSMT thu gom được. Nhưng vẫn còn vô vàn rác thải khác không ai có thể thống kê hết; nhỏ như chiếc vỏ kẹo, đầu lọc thuốc lá cho đến lớn như những đống phế liệu, bùn đất thải vương vãi khắp đường phố, ứ đọng trong kênh mương, cống rãnh, trôi nổi trên sông hồ…
Thu gom rác thải bị vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải
Thu gom rác thải bị vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Trần Văn Huynh nhận định: “Không chỉ xả rác bừa bãi bất kể nơi chốn, ngay cả cách thu gom, vứt rác cho đúng cũng còn là một ý thức khá  xa lạ đối với không ít người”. Hiện, đa số các gia đình vẫn giữ thói quen thấy rác trong nhà đầy lên thì mang ra trước cửa, “thả” xuống vỉa hè, gốc cây… rồi phó mặc cho công nhân VSMT; hoặc sử dụng túi nilon - loại túi phải cần đến hàng trăm năm mới phân hủy được để bọc rác. Đặc biệt là nhóm những người buôn bán nhỏ hoạt động tại các chợ dân sinh, các cửa hàng cửa hiệu ven đường phố. “Nhóm tiểu thương này hầu như không hề có ý thức về VSMT. Thậm chí họ cho rằng mỗi ngày nộp chút tiền phí chợ, tiền vệ sinh là có thể mặc sức xả rác bất kể lúc nào, bất kể nơi nào thuận tiện” - ông Huynh nói. Một chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng: “Việc phó mặc những hành vi xả rác bừa bãi đó không chỉ làm tổn hại đến môi trường mà còn khiến thói quen thiếu ý thức tồn tại dai dẳng, truyền nối từ người lớn sang thanh thiếu niên, dần dần ăn mòn nền tảng văn minh, văn hóa của người Hà Nội”.

Luật… “xếp xó”

Luật sư Hoàng Đạo - Công ty Luật Hoàng Đạo và cộng sự cho biết: “Nghị định 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013 đã có những quy định, mức xử phạt rõ ràng đối với hành vi vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường”. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: không quét dọn rác, gây mất vệ sinh chung; Để nước chảy ra hè đường, nơi công cộng; Để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh trong quá trình lấy, vận chuyển rác thải; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường… Hay Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường thay thế Nghị định 23/2009/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30/12/2013 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 200.000 đối với các hành vi: vứt tàn, đầu mẩu thuốc lá, rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, thoát nước mặt trong khu vực đô thị. “Luật đã có từ lâu, vấn đề là chưa được thi hành một cách nghiêm túc mà thôi” - Luật sư Đạo nói.

Theo ông Huynh, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường là chính quyền, công an từ cấp phường, xã trở lên. Tuy nhiên, việc xử phạt lâu nay vẫn thường bị “lờ” đi do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, cán bộ địa phương chưa thực sự nhận thức hết vai trò, tầm quan trọng của việc xử phạt, cho rằng khó và “lắt nhắt” nên thường “tránh” làm. Thứ hai, cơ chế xử phạt chưa phù hợp, linh hoạt. Việc lập biên bản, rồi đi nộp phạt tại Kho bạc vừa “nhiêu khê”, vừa khó thực hiện. Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân Trần Phan Mỹ cho rằng: “Việc xử phạt hành vi vứt rác hiện nay do cán bộ chuyên trách văn hóa - xã hội thực hiện. Tuy nhiên, thiếu sự hỗ trợ của lực lượng công an thì công tác xử lý vi phạm gần như không thể thực hiện được”.

Khó cũng phải làm

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cư dân đông tới trên 7 triệu người, rác thải xả ra mỗi ngày hàng nghìn tấn. Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến nhận định: “Công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn VSMT cũng đã được tiến hành thường xuyên liên tục từ hàng chục năm qua. Giờ đã đến lúc phải đẩy mạnh xử phạt để cảnh tỉnh tiến tới xóa bỏ hẳn thói quen vứt rác bừa bãi”. Thực vậy, chính tình trạng thiếu nghiêm minh, “ngại” xử phạt của cơ quan chức năng đang tạo điều kiện cho thói quen “vô ý thức” của nhiều người dân tồn tại, lây lan. Một chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng: “Thậm chí xả rác bừa bãi đã trở thành tập quán của nhóm lớn cư dân đô thị, trong đó có Hà Nội”.

Vừa qua, một số địa phương như quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đã bắt đầu tiến hành xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Một cán bộ trực tiếp xử lý cho biết: “Trước mắt mới chỉ xử lý được các chủ cửa hàng, ki ốt. Còn đối với người dân vẫn phải tuyên truyền thêm”. Điều đó cho thấy cái khó của lực lượng chức năng trong quá trình thực thi luật pháp, nhất là đối với các cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, không thể vì khó mà không làm. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở thành mối quan tâm bức thiết của toàn xã hội. Đã đến lúc phải có những sự điều chỉnh thích hợp trong việc phân công, phân nhiệm, thiết lập một lực lượng chuyên trách xử lý các vi phạm về môi trường, đặc biệt là xả rác bừa bãi tại các địa phương. Với sự phối hợp đồng bộ từ cả chính quyền, công an, đoàn thể chính trị, tin rằng việc xử phạt sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng ý thức giữ gìn VSMT trong người dân toàn TP