Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 2/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, nhìn chung đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong gói chính sách tài khoá, tiền tệ 347.000 tỷ đồng.

Báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội trường
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội trường

Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do đây là Chương trình chính sách phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan.

Trước những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, các cơ quan cũng có sự thận trọng. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới chưa có trong kế hoạch dài hạn, nên nhiều công việc chưa được chủ động. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.

Thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, tổng số tiền của gói hỗ trợ chính xác là 347.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 46.000 tỷ dùng quỹ dự trữ, quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vaccine và trang thiết bị y tế. Hiện nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 do đó việc sử dụng 46.000 tỷ này cũng tùy theo tình hình sắp tới xảy ra. Nếu cần thì có thể chi và sử dụng ngay. Như vậy, còn lại là khoảng 301.000 tỷ đồng, và có thể phân tích theo 2 khoản:

Một là, 125.000 tỷ đồng gồm 64.000 tỷ đồng từ miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ tháng 2/2022. Gói chính sách này đã được triển khai rất nhanh, đến nay đã và đang cơ bản đúng lộ trình.

Bên cạnh đó là 38.400 tỷ đồng được thực hiện trong hai năm 2022 – 2023 là chính sách tín dụng thông qua ngân hàng chính sách. Đến nay cơ bản các cơ chế, chính sách đã được xây dựng xong. Tới nay đã giải ngân được 4.586 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng của năm 2022, tiến độ giải ngân đã được 1/3. Có thể đánh giá, cùng với xây dựng chính sách thì ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và việc giải ngân rất phù hợp, kịp thời.

Về 6.000 tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất dự kiến khoảng 135.000 tỷ đồng, Chính phủ đã xây dựng xong 2 Nghị định vào tháng 5 về giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và giảm một số chính sách thuế. Xem như 6.000 tỷ đồng này từ nay đến cuối năm cũng sẽ thực hiện xong.

Bên cạnh đó còn một khoản là 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà. Đối với gói này cũng đã giải ngân được gần 2 tỷ đồng và cũng đã ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương cũng chưa rõ nên triển khai còn chậm.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thống nhất số liệu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hai là, 176.000 tỷ đồng đầu tư công. Trong đó có hai khoản là hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, trong đó, hỗ trợ qua ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng. Để triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tuy chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1.1.2022. Như vậy, có thể xem là gói này thực hiện được từ ngày 1/1/2022.

Cuối cùng là 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông khoảng 103 nghìn tỷ đồng. Vì phải dựa theo tiến trình chung thực hiện Luật Đầu tư công cũng như các dự án đầu tư nên gói này giải ngân chậm.

“Nhìn chung đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.