Đã gỡ bỏ 3.737 video vi phạm trên Youtube

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 9 tháng đầu năm đã gỡ 3.737 video vi phạm trên Youtube; chặn, gỡ 772 video tiktok vi phạm.

Bộ TT&TT cho biết, công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới được đẩy mạnh trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, đã gỡ bỏ hơn 1.336 bài trên facebook thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, tin gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19; gỡ 3.737 video vi phạm trên Youtube; chặn, gỡ 772 video tiktok vi phạm.
Đã gỡ gỡ 3.737 video vi phạm trên Youtube. Ảnh minh họa
Cũng theo thống kê, về lĩnh vực viễn thông trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 86,83 nghìn tỷ; số thuê bao điện thoại smartphone đạt 90,3 triệu. Tháng 8/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ Công bố gói hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông chung tay cùng Nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19; tiếp tục duy trì miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone;
Miễn phí cước thoại đến các đường dây nóng phòng, chống Covid-19; lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa, 100% các Trung tâm y tế tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương.
Trong tháng 9/2021, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” và nhận được tổng số tiền ủng hộ 2.500 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai truyền hình hội nghị phục vụ Thủ tướng Chính phủ họp tới toàn bộ cấp xã, phường, thị trấn trên toàn quốc;...
Đối với lĩnh vực Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có: 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân; 52/63 tỉnh, TP xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, phiên bản 2.0; 53/63 tỉnh, TP xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; 40/63 tỉnh, thành phố xây dựng ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Chỉ đạo xây dựng ứng dụng nền tảng duy nhất PC-Covid quốc gia để thống nhất sử dụng chung.
Nền tảng Zalo Connect hỗ trợ kết nối người dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về lương thực, nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19...
Số liệu từ Bộ TT&TT cho thấy, ở lĩnh vực An toàn thông tin doanh thu của các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng 9 tháng đầu năm đạt 1.406 tỷ đồng, doanh thu quý III/2021 đạt 453 tỷ đồng. Xây dựng, ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh;
Chỉ thị về tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng; Đề án phổ cập dịch vụ an toàn an ninh mạng cơ bản; Đề án phát triển 300 chuyên gia giỏi về an toàn, an ninh mạng. Ra mắt hệ sinh thái tín nhiệm mạng, qua gần 3 tháng triển khai đã thực hiện đánh giá và cấp nhãn cho: 48 cơ quan nhà nước (1975 website), 64 cơ quan báo chí (64 website) và 109 cơ quan, tổ chức khác.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực Công nghiệp ICT, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 2.263 tỷ đồng (xấp xỉ 97,8 tỷ USD); giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt khoảng 36,8 tỷ USD và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt 41,1 tỷ USD.
Chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G; triển khai 12 trạm Micro 8T8R trên mạng lưới; thử nghiệm Trạm Macro 8T8R công nghệ ORAN. Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; Xúc tiến xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số;
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm phần mềm; Phối hợp triển khai Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương”, với kinh phí lên tới 160 tỷ đồng để trao tặng cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh;...
Trong hoạt động báo chí, truyền thông Bộ TT&TT cho biết, các đơn vị đã thực hiện tuyên truyền các nội dung phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông - Ban chỉ đạo Quốc gia, bám sát tình hình, diễn biến của cả nước và của các địa phương.
Tỷ lệ tin, bài tiêu cực liên quan đến nội dung Covid-19 hàng ngày dưới 5%; thông tin về các giải pháp “mục tiêu kép” ổn định tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh an toàn đạt khoảng 34%. Hiện cả nước có 9.679 đài truyền thanh cấp xã/10.602 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 91,3%; trong đó đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT có tỷ lệ 5,3%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần