Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã khắc phục xong sự cố 2 tuyến cáp quang biển APG, IA

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam, hai tuyến cáp quang biển APG và IA đã được khắc phục xong.

Thông tin mới nhất, ngày 27/2, hoạt động bảo dưỡng để khắc phục các sự cố trên tuyến cáp biển Liên Á (Intra Asia – IA) đã được hoàn thành.

Đã khắc phục xong sự cố 2 tuyến cáp quang biển APG, IA
Đã khắc phục xong sự cố 2 tuyến cáp quang biển APG, IA

Cùng với cáp IA, một tuyến cáp biển khác là Asia Pacific Gateway (APG) cũng đã được sửa chữa, khắc phục xong sự cố vào ngày 27/2. Như vậy, sau gần 3 tháng gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc), tuyến cáp biển APG hiện đã khôi phục hoạt động bình thường.

IA còn có tên gọi khác là cáp Liên Á (Intra Asia), được sử dụng từ năm 2009 và có chiều dài hơn 6,7 nghìn km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong. Ở Việt Nam, IA cập bến tại Vũng Tàu.

Được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, tuyến cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 km, với các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Với việc cả 2 tuyến cáp biển quốc tế IA và APG đã sửa chữa xong lỗi, khôi phục dung lượng trên tuyến, áp lực đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cho người dùng của các nhà mạng đã giảm đáng kể.

Trong khi đó, AAG đang gặp lỗi trên nhánh S1I và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành khắc phục từ ngày 25/2 đến 13/3.

Theo đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, để nâng cao chất lượng Internet băng rộng, doanh nghiệp viễn thông cần thực hiện bốn giải pháp: nâng cấp băng thông với mục tiêu phủ đại trà hơn 70% người dùng gói cước 100 Mb/giây năm 2022; thay thế modem/router cũ bằng mẫu mới hỗ trợ băng tần kép 2,4 và 5 GHz; tăng cường tuyến cáp quốc tế, sửa đổi quy chuẩn để nâng cao chất lượng.

Ngoài ra, người dùng được khuyến nghị đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước để hạn chế ảnh hưởng khi kết nối quốc tế có vấn đề.