Theo đó, cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên thuộc Trung tâm Y tế TP Đà Lạt và Trạm Y tế các phường, xã đến tận các Trường Tiểu học trên địa bàn TP Đà Lạt tổ chức tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu cho gần 4.200 trẻ là toàn bộ học sinh khối lớp 2 trong trường học và trẻ 7 tuổi không đi học ngoài cộng đồng (trẻ sinh từ 01/01/2017 đến 31/12/2017).
Mũi tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu là mũi tiêm nhắc lại theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước đó, Trung tâm Y tế TP Đà Lạt cũng đã phối hợp tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ 7 tuổi trên địa bàn TP để xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin uốn ván – bạch hầu năm 2024; trước khi được tiêm vắc xin, trẻ cũng sẽ được khám sàng lọc.
Thông qua tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu trong đợt này, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tác động làm thay đổi hành vi và tích cực thực hiện, đưa con em mình đi tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, sự phối hợp giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong hoạt động truyền thông vận động người dân thực hiện, đưa con em mình đi tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trong đó, mục tiêu cụ thể, đó là: Tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong toàn thành phố đạt trên 90%. Đồng thời, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu và uốn ván là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính nguyng ở đây hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em.
Bệnh bạch hầu: Là bệnh do vi khuẩn Cornybacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp từ người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh thông qua dịch tiết đường thở. Triệu chứng điển hình của bạch hầu bao gồm viêm họng, sốt, và xuất hiện giả mạc ở họng có thể gây tắc nghẽn đường thở. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, viêm dây thần kinh và tử vong trong nhiều trường hợp nếu không được điều trị kịp thời. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thường ở những trẻ chưa được tiêm vắc xin.
Bệnh uốn ván: Do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra, lây qua vết thương bị nhiễm bẩn. Bệnh bắt đầu bằng các cơn co cứng cơ, thường từ cơ nhai rồi lan ra các cơ mặt, cổ và toàn thân, có thể dẫn đến khó thở và tử vong. Tỷ lệ tử vong ở bệnh uốn ván rất cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh cần được phòng ngừa bằng tiêm vắc xin thường xuyên.
Tiêm vắc xin bạch hầu và uốn ván là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa tái phát dịch.