Đã miễn, giảm, gia hạn 27,5 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí trong 6 tháng đầu năm

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/7, Bộ Tài chính phát đi thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Quyết toán thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội
Theo đó, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: Thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%). Kết quả thu NSNN 6 tháng được Bộ Tài chính đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 để phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định, xem xét ban hành 6 dự thảo Nghị định và 9 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 50 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN, miễn, giảm phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện trên 33,1 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra trên 323,9 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 7,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 30,2 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 6,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 3,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 22,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ tài chính nhận định, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tổng số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp, đòi hỏi ngành Tài chính cần làm tốt hơn công tác quản lý.

Với vai trò là đầu mối giúp việc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đã bắt giữ trên 7,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan với trị giá trên 1,5 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN 93 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 11 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác khởi tố 37 vụ.

Với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6-6,5%, Bộ tài chính đề nghị các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra.

Trong đó, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Kiên quyết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã đề ra;

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi;

Điều hành NSNN chặt chẽ. Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần