Đà Nẵng cần đẩy mạnh phát triển đô thị ra vùng ven vì quỹ đất trung tâm đã cạn. |
Chiến lược cho thành phố đáng sống
Năm 2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đề cập đến chiến lược hình thành, phát triển các khu đô thị ra vùng ven trước tình trạng mật độ dân cư khu vực quận trung tâm đang ngày càng đông đúc khiến giao thông quá tải, y tế, giáo dục gặp khó khăn. Đà Nẵng đã có chủ trương kéo dân ra vùng ven, hạn chế chuyển đất từ thương mại dịch vụ sang xây dựng chung cư cao tầng tại khu vực nội thị để giải quyết bài toán giao thông đang chiều hướng quá tải. Trên thực tế, vấn đề đẩy mạnh phát triển vùng ven đối với Đà Nẵng đã được các chuyên gia quy hoạch đô thị “hiến kế” cho lãnh đạo TP nhiều năm nay.KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng chia sẻ: “Bất kể giai đoạn nào, đối với các đô thị đều phải quan tâm đến vùng ven, lĩnh vực phát triển đô thị và nông thôn. Nhưng Đà Nẵng đã gần như hết mất nông thôn, chỉ còn những vùng ngoại thành hoặc vùng ngoại vi đô thị. Trước đây, tôi đã đề xuất phải giữ gìn những khu đất trung tâm để ưu tiên cho các dự án trọng điểm về sau nhằm phát triển bộ mặt đô thị, và nên triển khai ra ngoại vi trước. Song lúc bấy giờ thành phố rất cần tiền để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, trong khi phát triển các vùng ven thì tốc độ khai thác phương án đổi đất lấy hạ tầng hiệu quả không cao nên không triển khai. Hơn nữa, lúc bấy giờ đặc thù Đà Nẵng là giao dự án cho một số ban quản lý (BQL) như BQL Liên Chiểu - Thuận Phước, BQL Khu đô thị Tây Bắc, BQL Khu đô thị Tây Nam. Những BQL này rất cần công ăn việc làm nên họ giữ đất không giao cho nhà đầu tư để tạo ra bộ mặt cơ sở hạ tầng cho đô thị”.“Đến bây giờ, Đà Nẵng càng phải đẩy ra vùng ven vì trung tâm hết đất”, KTS Hoàng Quang Huy Nhấn mạnh. Cũng theo ông Huy, Đà Nẵng gọi là TP đáng sống nhưng không phải ở chỗ hình thành không gian đô thị đáng sống, mà là một số chủ trương như “5 không 3 có”, một TP yên bình, lo công ăn việc làm, cuộc sống cho người dân là tốt. Vì thế, chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị ra các vùng ven càng đặc biệt phải quan tâm.Nhân dịp Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc Trung ương (năm 2016), Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội kiến trức sư Việt Nam tổ chức hội thảo và đã đề cập đến vấn đề đẩy mạnh phát triển vùng ven. KTS Hoàng Quang Huy cho biết, tại hội thảo đó, các chuyên gia nêu quan điểm nên kiến nghị với nhà nước là Đà Nẵng trở thành “Vùng Đà Nẵng” thì mới đẩy phát triển ra vùng ven như Điện Ngọc, Hội An (Quảng Nam), Lăng Cô (Huế) được. Bởi nếu thành lập “Vùng Đà Nẵng” thì sẽ xóa ranh giới hành trình giữa Quảng Nam - Đà Nẵng - TT Huế. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ mặn mà hơn với những dự án đô thị vùng ven.
Nên đầu tư vào vùng venTheo Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng không có dự án phát triển nhà ở nào mới được tung ra bán, kể cả đất nền và căn hộ chung cư. Trước đó, Hội Môi giới BĐS Đà Nẵng nhận định, thị trường đất nền Đà Nẵng thay đổi phức tạp và khó kiểm soát hơn. Phân khúc này đang đi vào giai đoạn khan hiếm, quỹ đất tại trung tâm thành phố ngày càng ít đi. Trong khi dân số tăng nhanh nên việc mở rộng quy hoạch đô thị ra các khu vực ven thành phố là điều tất yếu.Ông Nguyễn Thế Trung - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc First Real (Đà Nẵng) bày tỏ: “Xu hướng hiện nay của các nhà đầu tư, đầu cơ là nhắm vào vùng ven, thay vì ở trung tâm TP. Bởi lẽ, giá nhà đất ở trung tâm cao nhưng mức lợi nhuận không bằng đầu tư vào vùng ven và các tỉnh. Hơn nữa, quỹ đất vùng ven tương lai cũng sẽ khan hiếm vì dân cư ngày càng đông, trong khi quỹ đất các TP như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) ít dần đi. Xa hơn nữa, vùng ven Đà Nẵng như trục Tây Bắc đầy hứa hẹn vì nhiều dự án lớn chuẩn bị được đầu tư; phía Nam (giáp Quảng Nam) là con đường giao thương kinh tế và cũng đang hội tụ hàng loạt dự án tầm cỡ”.Các nhà đầu tư đang nhắm đến khu vực ven Bà Nà để đầu tư những khu nghỉ dưỡng, nhà biệt thự. Các khu đất phía nam Đà Nẵng tiếp giáp với Quảng Nam cũng đang là thị trường sôi động. Trong tương lai, khi dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò triển khai, thị trường BĐS vùng ven Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ “thay da đổi thịt” hơn nữa. Bởi lẽ, sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Phố cổ Hội An, Quảng Nam. Đây là con sông đóng vai trò vô cùng quan trọng về mọi mặt. Bắt đầu từ Đà Nẵng, theo dòng chảy sông Cổ Cò đã đang rộn ràng với các dự án “khủng” nằm san sát, liền kề như Đà Nẵng Golf Club, siêu dự án Cocobay, khu đô thị FPT… cho đến phía Quảng Nam là loạt dự án đất nền ven sông như khu đô thị Hera Complex, Sakura, Khu đô thị Sentosa, Điện Dương Riverside…Vận hội để Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển đô thị vùng ven đã rõ ràng. Vấn đề là làm thế nào để phát triển đô thị ra vùng ven được vền vững và thu hút được các nhà đầu tư. Về vấn đề này, KTS Hoàng Quang Huy cho rằng: “Để phát triển đô thị vùng ven phải đồng bộ các hệ thống hạ tầng cơ sở từ trường học, y tế, văn hóa, cây xanh, siêu thị… Khi các vùng ven làm được điều này thì chuyện đưa dân ra dễ dàng hơn, vì cuộc sống ở đấy khác gì trung tâm. Lúc đó, muốn giải tỏa những khu nhà cao tầng ở trung tâm TP cũng dễ. Đặc biệt, thu hút đầu tư cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, muốn làm điều này thì TP phải có được nguồn vốn nhất định để xây dựng hạ tầng cơ sở”.