Đà Nẵng phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách năm 2024

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2023, Đà Nẵng dự kiến đạt hơn 7,39 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, tăng gấp 2 lần so với năm 2022. Năm tới, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách.

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ trên địa bàn TP Đà Nẵng dự kiến đạt hơn 7,39 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần so với năm 2022, bằng 61% so với 2019; khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,41 triệu lượt, tăng 66% so với năm 2022, bằng 113% so với 2019.

Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2023 dự kiến đạt gần 28 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2022, bằng 130% so với 2019. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành dự kiến đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 171% so với 2019.

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế mũi nhọn này vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đơn cử như, mặc dù TP đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay, các dự án du lịch động lực của Đà Nẵng vẫn chưa được khởi công, dẫn đến chậm hình thành sản phẩm mới. Sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước bước đầu phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tiền thuê đất..., ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có, cũng như đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới.

Năm 2024, Đà Nẵng phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách. Ảnh: Quang Hải
Năm 2024, Đà Nẵng phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách. Ảnh: Quang Hải

Ngoài ra, Đà Nẵng chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng. Các điểm dừng chân phục vụ tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa được triển khai do đang thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà). Các dự án tạo điểm đến du lịch tại địa phương chậm triển khai. Một số đoạn, tuyến đường đến các khu, điểm du lịch chưa được mở rộng và nâng cấp.

Nhiều tiện ích như hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hạ tầng một số khu nhà tắm nước ngọt tuyến biển Nguyễn Tất Thành đã xuống cấp. Đôi lúc còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường như Võ Nguyên Giáp, Trần Phú, Bạch Đằng…, đặc biệt vào các ngày cuối tuần, giờ cao điểm hoặc mùa cao điểm khách du lịch; thiếu các bãi đỗ xe công cộng tại một số khu vực đông du khách.

Ngoài ra, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều nhân lực du lịch có tay nghề, kinh nghiệm đã chuyển nghề hoặc chuyển đến địa phương khác, không có nhu cầu quay trở lại ngành. Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí lãnh đạo, quản lý, trưởng bộ phận, nhân viên có trình độ.

Đặc biệt, Đà Nẵng chưa có cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch, bao gồm sản phẩm du lịch ban đêm.

Phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách năm 2024

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), sự phục hồi du lịch toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2024 với sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường Trung Quốc. Việc nối lại các tour du lịch nước ngoài từ Trung Quốc sẽ không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch nói chung mà còn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành. Xu hướng muốn đi du lịch được dự báo tăng cao ở Hàn Quốc và Tây Âu.

 

Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 5.678 hướng dẫn viên (trong đó 3.987 hướng dẫn viên quốc tế); 525 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với 46.976 phòng; 16 khu điểm du lịch; 25 tàu du lịch.

Cùng với đó, Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tạo điều kiện cho việc đầu tư triển khai nhiều dự án trọng điểm, động lực hình thành sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương thí điểm một số hoạt động dịch vụ nhằm tạo sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi...

Đặc biệt, TP Đà Nẵng đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch.

Từ những nhận diện trên, Đà Nẵng đưa ra 2 kịch bản cho ngành du lịch trong năm 2024 và chọn kịch bản 1. Cụ thể, Đà Nẵng phấn đấu đạt 8,27 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, tăng 12% so với năm 2023, gần bằng 103% so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế 2,4 triệu lượt, tăng 21% so với năm 2023, bằng 74% so với năm 2019; khách nội địa 5,87 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2023, bằng 122% so với 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu hơn 30,3 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2023, bằng 142% so với năm 2019.

Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và UBND các quận, huyện tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch TP Đà Nẵng năm 2024 diễn ra chiều 20/12. Ảnh: Quang Hải
Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và UBND các quận, huyện tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch TP Đà Nẵng năm 2024 diễn ra chiều 20/12. Ảnh: Quang Hải

Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch Đà Nẵng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm. Cụ thể, triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch (bao gồm đảm bảo môi trường du lịch); đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch; truyền thông, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, huy động nguồn lực cho phát triển du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch TP Đà Nẵng năm 2024 diễn ra chiều 20/12, đại diện một số doanh nghiệp đã đề xuất địa phương triển khai những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hội nhập và có sức cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời tăng cường các cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ.