Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là phân khúc khách sạn. Tuy nhiên, với vị thế là một thành phố biển, cảnh quan đẹp, nhiều di sản văn hóa kiến trúc độc đáo, Đà Nẵng luôn được đánh giá là địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế. Theo đó, so với các địa phương khác, Đà Nẵng là điểm sáng về thị trường du lịch và khách sạn.
Theo nghiên cứu thị trường quý I/2014 của CBRE, số lượng du khách đến với TP Đà Nẵng đã có sự tăng trưởng trong quý. Đặc biệt, khối quốc tế với mức tăng 31%. Kỳ nghỉ Tết dài cũng là một yếu tố thúc đẩy lượng khách trong nước tăng đến 475.288, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là số lượng du khách quốc tế đến thành phố Đà Nẵng bằng đường biển trong quý đã lên đến 75.000, tăng gần gấp đôi so với 1/2013. Số lượng các chuyến bay quốc tế đến sân bay quốc tế Đà Nẵng trong quý này cao hơn khoảng 64% so với Q1/2013 và cao hơn xấp xỉ 126% so với Q1/2012.
Bên cạnh đó, các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng đang tiếp tục được mở rộng, mở mới như đường bay trực tiếp giữa Ma Cao và Đà Nẵng của hãng Jetstar Pacific đã đi vào hoạt động trong tháng 3 vừa qua. Hãng hàng không Việt Nam cũng có kế hoạch mở chuyến bay trực tiếp kết nối thành phố Narita (Nhật Bản) và thành phố Đà Nẵng với lịch trình bốn chuyến bay mỗi tuần vào tháng 7 tới. Đây chính là những điều kiện khách quan thúc đẩy du lịch Đà Nẵng phát triển, đồng thời thúc đẩy thị trường khách sạn có những chuyển biến tích cực, thậm chí sôi động hơn.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của các khách sạn cho thấy xu hướng đi lên trong Q1/2014. Các khách sạn ven biển 5 sao tiếp tục chứng tỏ là phân khúc hoạt động tốt nhất với doanh thu phòng bình quân (RevPAR) đạt mức tăng trưởng cao nhất 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Và chủ yếu là nhờ kết quả kinh doanh tốt của Khu nghỉ dưỡng Crowne Plaza và giá phòng cao của Intercontinental Sun Peninsula Resort.
Khối khách sạn 4 và 5 sao trong thành phố cũng có cùng xu hướng, RevPAR trung bình của hai khối này tăng lần lượt 2,5% và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Không giống như các phân khúc khách sạn trên, sự suy giảm trong công suất phòng do một số khách sạn mới mở trong nửa cuối năm 2013 đã làm cho RevPAR trung bình của phân khúc khách sạn 4 sao ven biển giảm còn 34,64 USD/phòng/đêm, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của các khách sạn trong thành phố trong những năm gần đây đã giúp phân khúc này chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nguồn cung khách sạn ven biển sẽ vượt trội và dẫn đầu thị trường. Sẽ có khoảng 1.951 phòng khách sạn ven biển so với khoảng 742 phòng khách sạn trong thành phố được khai trương trong năm 2014 và 2015. Hầu hết các nguồn cung mới này là từ khách sạn 3 và 4 sao trong khi các khách sạn 5 sao sẽ được mở trong năm 2016 và năm 2017 do việc xây dựng mất nhiều thời gian hơn.
Trong những quý tiếp theo, CBRE dự báo những khách sạn ven biển sẽ cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng đối với thị trường khách sạn Đà Nẵng, tạo ra thách thức khó khăn hơn cho khối khách sạn trong thành phố. Bởi các khách sạn ven biển có những ưu thế vượt trội nhờ vào vị trí thuận lợi, đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng khác nhau bao gồm khách MICE, khách du lịch giải trí và khách công vụ. Còn về đối tượng khách, các quý tiếp theo khách quốc tế có thể giảm một ít do mùa hè đang đến, mùa thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước.