Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến cho rằng không thể kéo dài tình trạng phong tỏa, đóng cửa toàn bộ các hoạt động xã hội như hiện nay. Nhiệm vụ của TP Đà Nẵng là vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Đà Nẵng đã trải qua 31 ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Q.HẢI |
Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Thời gian đầu, người dân và chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội. Nhưng khi số ca mắc Covid-19 được kiểm soát và ít dần thì người dân đã lơ là, nhất là người nghèo, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên.
Theo ông Lê Trung Chinh, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng phải có giải pháp hiệu quả hơn chứ không thể kéo dài thời gian cách ly. “Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia dưới sự chủ trì của Thủ tướng ngày hôm qua, TP Đà Nẵng kiến nghị với Trung ương xem xét nới lỏng trong thời gian sớm nhất”, ông Lê Trung Chinh cho hay.
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, ngành y tế đã xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ cao như đối tượng F1, tiểu thương, cán bộ y tế, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, 2 Khu công nghiệp có công nhân mắc Covid-19, người nước ngoài… Tuy nhiên, hiện vẫn còn công nhân trong 4 khu công nghiệp chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Vì thế, Sở Y tế đề nghị dành thêm thời gian 1 tuần tập trung xét nghiệm khoảng 100.000 mẫu để hoàn toàn yên tâm về khoanh vùng chống dịch.
Theo bà Ngô Kim Yến, không thể quay về như thời kỳ trước. Muốn mở cửa, muốn kinh tế phát triển thì các ngành phải đồng lòng và làm thật quyết liệt. “Vẫn chiến lược của công tác phòng chống dịch, đó là thần tốc, quyết liệt, khoanh vùng nhưng khoanh vùng gọn chứ rộng quá thì ảnh hưởng đến kinh tế và truy vết và cách ly triệt để”, bà Yến nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, những ca nhiễm gần đây được phát hiện kịp thời tại các điểm xét nghiệm diện rộng, khu cách ly nên nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế. Tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm ngày càng tăng, số điểm nóng trên địa bàn có xu hướng giảm nhưng ca bệnh trong cộng đồng diễn biến khó lường.
“Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tiếp tục rà soát, củng cố các biện pháp đã thực hiện thời gian qua, đồng thời nghiên cứu triển khai nới lỏng giãn cách xã hội để sẵn sàng áp dụng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng ý với đề xuất của ngành y tế, thống nhất dành thời gian 1 tuần tới để xét nghiệm rộng có trọng điểm các đối tượng nguy cơ, phân luồng xét nghiệm bệnh nhân vào bệnh viện. Ông Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP xây dựng Chỉ thị sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị này quy định cụ thể trách nhiệm từng ngành, địa phương, nâng cao năng lực, tính chủ động của chính quyền cơ sở.
Theo ông Nghĩa, trước mắt sẽ kiểm soát tình hình chặt chẽ theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 8. Bắt đầu từ tháng 9, nếu diễn biến tích cực thì Đà Nẵng sẽ thực hiện Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 tùy theo từng khu vực.
Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã xét nghiệm hơn 121.000 mẫu, xác định 387 ca dương tính với virus SASR-CoV-2; đã có 168 bệnh nhân ra viện, 24 ca tử vong, hiện còn 186 người đang điều trị. Đà Nẵng đã đưa hơn 1,7 triệu khách du lịch rời TP, tiếp tục đưa người lao động phổ thông rời tâm dịch theo nguyện vọng.