Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng: Thách thức hồi phục kinh tế sau dịch bệnh Covid-19

XUÂN NGŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dịch bệnh Covid-19, Đà Nẵng là địa phương chịu tác động trực tiếp, ngay từ ngày đầu tiên cho đến nay. Suốt 2 năm ròng, các doanh nghiệp (DN) địa phương bị đình trệ kéo dài, kiệt quệ nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng hồi phục kinh tế Đà Nẵng sau khi dịch đi qua?

Báo cáo tình hình các DN hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng mới đây thể hiện, các DN địa phương “đã bị bào mòn khả năng hồi phục một cách nghiêm trọng”. Họ đang rất cần những sự hỗ trợ từ chính quyền và các bộ ngành chức năng để có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi.
Kiệt quệ dây chuyền, đứt gãy hệ thống     
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng VCCI tại Đà Nẵng nhìn nhận, khảo sát của VCCI không có tính đại diện cho cộng đồng DN Đà Nẵng. Song với tỷ lệ 79,14% đơn vị dân doanh, 48,2% là đơn vị dịch vụ, 33,81% sản xuất công nghiệp tham gia khảo sát, có thể thấy sự phản ảnh của DN rất rõ ràng.
Khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng từ dịch Covid-19, 98,56% đơn vị đánh giá bị tác động tiêu cực, trong đó 73,38% bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 25,18% cho biết bị ảnh hưởng một phần; chỉ có 1,44% đơn vị không bị ảnh hưởng, là các đơn vị ở mảng y tế, phục vụ chống dịch.
Các đơn vị làm dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản cho biết bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đặc biệt các đơn vị quy mô sử dụng dưới 50 lao động đều bị dịch bệnh làm cho tê liệt.
Kinh tế Đà Nẵng đang chịu tác động nhiều từ dịch bệnh Covid-19.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 41,73% DN hội viên VCCI Đà Nẵng phải tạm ngừng hoạt động, 1,44% đã ngừng hoạt động chờ giải thể. 56,83% hội viên còn lại cho biết đang cố gắng cầm cự nhưng rất khó khăn. Tình trạng chung của các DN là đã đứt gãy nguồn cung đầu vào và tê liệt đầu ra, nhiều đơn vị kiệt quệ, “phá sản” toàn hệ thống tổ chức.
Ở góc độ khác, sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng thông tin, hoạt động kinh tế toàn TP tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù các DN đã nỗ lực tăng trưởng ở một số lĩnh vực như xuất khẩu, đặc biệt về xuất khẩu phần mềm và TP xúc tiến hiệu quả một số dự án FDI mới, song nhìn chung, mọi mặt phát triển kinh tế đầu tư đều giảm.
Lĩnh vực du lịch, mảng dịch vụ ưu thế của Đà Nẵng hoàn toàn bị động, cụ thể 8 tháng 2021 giảm tiếp 11,6% khách lưu trú so với năm 2020, doanh thu ngành giảm 14,2% so cùng kỳ, toàn kế hoạch giảm 30.4%.
Hoạt động thương mại và vận tải Đà Nẵng cơ bản đình trệ, do đứt gãy đầu vào cung ứng, hoạt động vận chuyển gần như dừng lại, mảng vận tải hành khách giảm đến 41,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi năm 2020 đã là năm tăng trưởng âm của Đà Nẵng. Giai đoạn phong tỏa TP, mức độ ảnh hưởng dịch bệnh càng gia tăng, giá cả hàng hóa tiêu dùng đều tăng cục bộ và bị thiếu hụt ở nhiều khu vực.
Đặc biệt, hoạt động công nghiệp và thủy sản nông lâm của Đà Nẵng, biểu hiện cụ thể của “mục tiêu kép”, đều bị ảnh hưởng nặng nề. Từ tháng 7/2021, khi mảng công nghiệp địa phương xuất hiện các chuỗi lây nhiễm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã không thể duy trì. Chỉ số sản xuất công nghiệp Đà Nẵng tháng 8/2021 giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2020. Mảng thủy sản, với vụ việc lây dịch ở cảng cá Thọ Quang, đã bị giảm sút các chỉ số tăng trưởng sản lượng đánh bắt…
Cần cân chỉnh cho kế hoạch phục hồi?
Ông Nguyễn Tiến Quang cho biết, hơn 50% hội viên VCCI Đà Nẵng thông tin đang cố gắng duy trì hoạt động dưới 50% công suất vốn có; đến 62,03% DN chỉ tự tin duy trì dưới 6 tháng nữa, trong đó 29,11% chỉ duy trì tối đa đến 3 tháng, 7,6% đơn vị chỉ còn 1 tháng. Họ cho biết, nếu TP vẫn áp dụng chính sách phong tỏa, sẽ có đến 68,35% đơn vị tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó 40,5% đơn vị khẳng định giải thể.
Rõ ràng mức độ đánh giá của các DN đến nay đều đã ở cảnh báo nghiêm trọng. Nếu muốn đặt lại bài toán phục hồi hoạt động, hầu hết DN đều cần nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền và các cấp ngành quản lý, tạo động lực thực sự cho họ.
Cụ thể, về các đầu nguồn cung ứng sản xuất, các DN nhìn nhận do chính sách phòng dịch cứng rắn, nguồn vận chuyển đầu vào đều đứt gãy và gia tăng chi phí. 69,62% đơn vị được khảo sát cho biết bị khó khăn vì vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu; 51,9% khó khăn do đứt gãy logistics; 44,3% khó khăn tài chính. Đáng nói là 35.44% đơn vị cho biết chi phí gia tăng là do phải áp dụng các giải pháp chống dịch. Riêng về khó khăn tài chính, 22,08% dn phản ánh do lãi vay ngân hàng, 18,18% do trả lương và các chính sách cho người lao động.
Với câu hỏi lý do phải dừng hoạt động, 50% DN cho biết vì mất đơn hàng bởi dịch bệnh kéo dài; 43,1% đơn vị muốn ngừng hoạt động chờ hết dịch; đặc biệt 20,69% DN cho biết không đáp ứng nổi các yêu cầu phòng chống dịch của địa phương. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý nên xem lại yêu cầu phòng chống dịch với chi phí bỏ ra, thực sự là vấn đề nan giải cho các DN, nhất là các đơn vị nhỏ và siêu nhỏ.
Thách thức hồi phục kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch, nhìn từ góc độ tồn tại của các DN, như vậy không đơn giản thuận chiều. Theo ông Tiến Quang, đã đến lúc các DN đều cần nhận được những chính sách hỗ trợ đột phá từ các cấp quản lý, mới có thể hy vọng hồi phục.