Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngày 27/11, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến được tự nguyện, thỏa thuận với DN (bên được thi hành án) chuyển trả toàn bộ 1.251 tỷ đồng (số tiền sử dụng đất mà các DN thực nộp cho Nhà nước) để giữ lại toàn bộ diện tích sân Chi Lăng.
Sân vận động Chi Lăng từng là điểm đến mỗi cuối tuần của người hâm mộ Đà Nẵng |
Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT và các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ, phối hợp, hướng dẫn UBND TP Đà Nẵng để kịp thời triển khai thực hiện nội dung giữ lại sân Chi Lăng; xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu vực sân Chi Lăng, đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc xin chuộc lại sân Chi Lăng xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của chính quyền, nhân dân TP và theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP. Ngoài ra, việc Chủ tịch Nguyễn Đức Thơ có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thi hành án và quản lý đất đai, quy hoạch của TP đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, qua rà soát hồ sơ, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng tại khu vực sân Chi Lăng thực hiện đối với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) là không đúng đối tượng theo quy định pháp luật; việc tách thửa để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với dự án chỉ căn cứ vào quyết định phê duyệt bản đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất mà chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, cũng như chưa phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết là không phù hợp quy định.
Đặc biệt, việc 10 giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại sân Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai. Vì thế, việc thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất là phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn do khu vực sân Chi Lăng chưa lập, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nên người nhận chuyển nhượng không thể đưa vào sử dụng đất. Do đó, các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thể thực hiện được.
Năm 2010, Tập đoàn Thiên Thanh được UBND TP Đà Nẵng chấp nhận cho đầu tư dự án tại khu vực sân Chi Lăng và khu vực được UBND TP Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất đối với khu đất này với số tiền 1.251 tỷ đồng (đã giảm giá 10%). Ngay khi có giấy chứng nhận QSDĐ, Tập đoàn Thiên Thanh đã tách thửa và thế chấp diện tích này ở ngân hàng với số tiền gấp nhiều lần so với số tiền đã chi trả cho Đà Nẵng.
Để có thể giao đất cho Tập đoàn Thiên Thanh, Đà Nẵng đã chi hơn 200 tỷ đồng tiền giải tỏa đền bù cho các hộ dân tại đây; đồng thời chi hơn 4.000 tỷ đồng để xây dựng một khu liên hợp thể thao mới tại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) để thay thế cho sân Chi Lăng.
Tháng 7/2014, Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam vì những sai phạm trong quản lý điều hành. Kể từ đó, dự án sân vận động Chi Lăng bị đình lại, tài sản liên quan bị phong tỏa để thi hành án.