Đại diện ISP cho biết, các sự cố trên nhánh S9 và S1.7 của tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway - APG đã được đối tác sửa xong vào khoảng 22 giờ ngày 27/6/2020, sớm hơn so với kế hoạch trước đó.
Đã sửa xong tuyến cáp biển APG. Ảnh minh họa |
Trong lần gặp sự cố gần đây nhất, tuyến cáp biển APG bị đứt trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Singapore vào ngày 30/4/2020. Sau đó, vào sáng 23/5/2020, APG lại gặp sự cố trên đoạn S1.7 hướng đi Hong Kong (Trung Quốc), gây mất toàn bộ dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này. Để khôi phục toàn bộ kênh truyền trên tuyến cáp quang biển APG, các đối tác quốc tế phải khắc phục sự cố trên cả 2 nhánh cáp S9 và S1.7 của tuyến cáp.
Kế hoạch sửa chữa cáp APG đã được đối tác quốc tế thông báo tới các ISP tại Việt Nam vào ngày 3/6/2020. Theo đó, tuyến cáp này dự kiến bắt đầu được sửa từ ngày 6/6 và hoàn thành vào ngày 11/6/2020.
Tuy nhiên sau đó, lịch sửa chữa này đã bị lùi, do tàu sửa cáp đã vào vùng biển Singapore nhưng chưa tìm được điểm đứt và đối tác quốc tế phải xin giấy phép để vào vùng biển Malaysia tiếp tục tìm kiếm vị trí cáp lỗi.
Đến ngày 19/6/2020, các ISP tại Việt Nam tiếp tục được thông báo sự cố xảy ra các ngày 30/4/2020 và 23/5/2020 trên cáp APG bắt đầu được sửa từ ngày 29/6/2020. Song thực tế, đối tác quốc tế đã hoàn tất công tác sửa chữa vào tối ngày 27/6/2020, sớm hơn lịch dự kiến.
Trước đó, lần lượt vào các ngày 4/6/2020 và 7/6/2020, các sự cố trên 2 tuyến cáp biển quốc tế AAE-1 và AAG đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn lưu lượng trên các tuyến cáp biển này.
Cùng với AAG, IA, AAE-1 và SMW3, cáp APG cũng là một trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, APG có chiều dài khoảng 10.400km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp biển này có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.