Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc khu kinh tế: Không chỉ trải thảm ưu đãi thuế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngày qua, đặc khu kinh tế trở thành chủ đề tranh luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Các ý kiến tham vấn từ nhà đầu tư, chuyên gia đều cảm nhận “có gì đó vẫn chưa rõ ràng, bứt phá”, xét cả về cách làm và tầm nhìn, hiệu quả lan tỏa.

 Thi công sân bay quốc tế Vân Đồn, nằm trong đặc khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Công Hùng
Rủi ro từ ưu đãi thuế
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Luật đang được đề xuất đưa rất nhiều ưu đãi thuế mà "có lẽ chỉ thua các thiên đường thuế". Tương tự, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nêu ra nhiều cảnh báo về các rủi ro từ ưu đãi thuế với mô hình đặc khu. Theo ông Sebastian, việc quá nhiều ưu đãi có thể dẫn tới bị lạm dụng. Ngoài ra, giữa các đặc khu còn có thể xảy ra cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế hoặc cạnh tranh không lành mạnh để cắt giảm các khuôn khổ pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không mong muốn đến môi trường kinh doanh, hạn chế chuẩn mực lao động.
Đặc khu phải là nơi khởi xướng những sáng tạo, hình thức mới về tri thức, về thể chế để từ đó nhân rộng ra các khu vực khác trên phạm vi cả quốc gia. Không nên sử dụng quá nhiều ưu đãi thuế và phân mảnh chính sách, tạo ra sân chơi không bằng phẳng. 

Ông Sebastian - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam
Đơn cử như Macau (Trung Quốc) cũng không quan trọng ưu đãi thuế. Thuế suất casino ở Macau tới 39%, nhưng nhà đầu tư vẫn đến. Hay như Thâm Quyến (Trung Quốc), lợi thế cạnh tranh của đặc khu này là sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng cao cùng năng lực sản xuất hiệu quả hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử và công nghệ, là ngôi nhà định cư của nhiều các startup, tạo thành một thung lũng công nghệ sôi động tương tự như Silicon của Mỹ.
Ông Teo Eng Cheong - Tổng Giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) lấy một ví dụ về đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu vào đặc khu kinh tế ở sân bay của Singapore, một trong những nơi được gọi là Công viên Logistics - (ALPS). 90% thủ tục hải quan của hàng hóa đến đây phải giải quyết trong vòng 10 phút. 10% không được thực hiện trong thời gian này phải chuyển lên cấp cao hơn. “Nếu Việt Nam làm được những đột phá này thì có thể thành công trong việc xây dựng mô hình đặc khu” - vị này nói.

Trùng lặp ngành nghề ưu tiên

Mục tiêu chính của xây dựng đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Song theo các chuyên gia, cả 3 khu vực gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đang được chọn làm đặc khu đều không có tác dụng lan tỏa. Trong dự thảo Luật, tại cả ba đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu du lịch, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư. Đây là sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị.

Theo các chuyên gia, thứ mà Việt Nam đang muốn tập trung phát triển là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp. “Quảng Ninh có Vân Đồn nhưng để thay thế Vịnh Hạ Long trở thành điểm thu hút du lịch lớn nhất Quảng Ninh e là khó. Với Vân Phong nằm bên cạnh Nha Trang, gần Bình Định và một chuỗi tỉnh miền Trung có khả năng du lịch, nếu cần phải lấy một điểm là trung tâm du lịch của miền Trung để từ đó lan tỏa, nên chọn Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Còn Phú Quốc phát triển du lịch nhưng khả năng kết nối với tỉnh Kiên Giang hay rộng hơn Đồng bằng sông Cửu Long để lan tỏa cũng hoàn toàn không có” - TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) phân tích.

Với nông nghiệp, muốn tìm nơi để làm trung tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở miền Bắc, Vân Đồn không phải là nơi đáng chọn; Vân Phong cũng vậy. Phú Quốc có thể phát triển một số sản phẩm về hải sản hay nông sản, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch ở Phú Quốc, chứ không phải đầu tàu để phát triển nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Còn với đầu tư và ứng dụng CNTT, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư chưa tin ba đặc khu sẽ phát triển thành công các ngành công nghệ cao, bởi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khả năng tốt nhất, hội đủ các yếu tố đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, theo thẩm định của Bộ Tài chính, 1,57 triệu tỷ đồng là tổng số vốn dự kiến cần huy động để đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo các chuyên gia, nợ công đang dần chạm ngưỡng 65% GDP, bội chi ngân sách đang khá lớn. Để huy động được số vốn khổng lồ như vậy, vấn đề cân đối thu chi với Bộ Tài chính cũng là chuyện đau đầu, bởi các tỉnh đều đồng loạt xin cơ chế riêng.
Thành lập 3 đặc khu kinh tế sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong năm tới. Bộ KH&ĐT kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm. Tiếp đó, từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở các đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 - 13.000 USD/người/năm.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng