Thế mạnh từ hạ tầng
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 18 khu kinh tế (KKT) đã được thành lập, quy hoạch, với tổng diện tích mặt đất và mặt biển là 730.550ha, chiếm 2% diện tích cả nước. Trong đó, có một số KKT được quy hoạch trở thành đặc khu trong tương lai như Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho biết, Phú Quốc và Vân Đồn đang có nhiều thuận lợi hơn so với các khu vực khác về thế mạnh tiềm năng, không chỉ về BĐS nhà ở mà còn về BĐS nghỉ dưỡng. Không những vậy, hệ thống hạ tầng ở các khu vực này đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, trở thành lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế thu hút đầu tư.
“Vân Đồn ở phía Bắc và Phú Quốc ở phía Nam, đều có sân bay quốc tế. Lợi thế về vị trí, giao thông và các tiềm năng phát triển của những khu vực này là điều mà ngành du lịch của nhiều nước mơ ước, tạo ra sức hút rất lớn” – ông Chiến nhìn nhận.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, Vân Đồn và Phú Quốc thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực BĐS. Nhưng hiện nay hệ thống hạ tầng lưu trú đang còn thiếu nhiều, tại 10 tỉnh, TP sát biển, hiện có 216 dự án BĐS nghỉ dưỡng với khoảng 140.000 sản phẩm. Trong đó mới có khoảng 40.000 sản phẩm đã khai thác.
“Chiến lược của Chính phủ đến năm 2025 Việt Nam đạt Top 3 Đông Nam Á và Top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh du lịch; ít nhất đạt 35 triệu khách du lịch quốc tế; ít nhất 120 triệu khách du lịch nội địa. Đây là cơ hội lớn cho BĐS nghỉ dưỡng phát triển, đặc biệt là những khu vực được quy hoạch trở thành đặc khu trong tương lai” – ông Đính nhận định.
Định hướng du lịch cao cấp
Chuyên gia kinh tế - tài chính TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khu vực Vân Đồn và Phú Quốc có những sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính sự bùng phát và xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, đa chức năng đã đón đầu được xu hướng mới, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam.
“Vân Đồn, Phú Quốc đã thu hút được nhiều nhà phát triển BĐS lớn của Việt Nam nhưng các thương hiệu này cũng cần phải xây dựng và thường xuyên điều chỉnh những chuẩn mực về quản trị để tiệm cận hoặc bằng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều khách quốc tế hoặc khách trung và thượng lưu trong nước” – ông Nghĩa nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị Võ Đại Lược cho rằng, cần phải có chiến lược tốt để khai thác lợi thế của những khu vực này, trước hết là bài toàn về quy hoạch để có thể thu hút các tập đoàn, công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Cùng với đó, xây dựng một sản phẩm du lịch đa dạng, không chỉ tắm biển, tham quan, mà phải là các đô thị thể thao, hội họp, triển lãm, mua sắm, an dưỡng…
“Căn cứ vào thực tế phát triển, các khu vực quan trọng như hai khu kinh tế trên cần phải thuê các tổ chức quy hoạch phát triển hàng đầu thế giới thực hiện. Bởi họ có kinh nghiệm thực tế chuyên quy hoạch cho các khu kinh tế quan trọng, đồng thời có các tập đoàn xuyên quốc gia, do vậy các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư vào” – ông Lược nhìn nhận.
"BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam phải gắn với chuỗi hệ thống kết nối vừa về không gian, vừa về đẳng cấp, công nghệ." - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên |