Quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DN Nhà nước dù đã được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, nhưng kết quả vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Có nhiều “nút thắt” đang gây cản trở quá trình này rất cần giải pháp để “cởi nút”.
Sự ưu ái và nhóm lợi ích đang phá DNNN
Trong suốt thời gian qua, khu vực DN Nhà nước vẫn được dành sự “ưu ái” về mọi mặt, thể hiện qua việc các đơn vị chủ quản như Bộ, ngành, chính quyền địa phương vẫn tạo ra những đặc quyền cho các DN của mình. Đó là ưu ái về nguồn vốn, tài nguyên, đất đai, tuyển dụng nhân lực... Do được “cưng chiều”, không phải tự cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác nên các DN Nhà nước ít có sự sáng tạo.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là một trong nhiều DN Nhà nước làm ăn thua lỗ. Ảnh: TBTCVN. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “khi chúng ta dành cho DN Nhà nước những lợi thế đặc quyền thì vẫn còn động lực để người ta níu kéo, chậm tái cơ cấu để hưởng những đặc quyền đó”.
Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nêu thực tế, Nhà nước không quá tạo áp lực về cổ phần hóa ở các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, mà chỉ dừng lại ở yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, chứ không yêu cầu về chỉ tiêu cổ tức, tốc độ tăng trưởng, tiền lương người lao động… Vì vậy, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là những “ông chủ giả” tiêu vốn Nhà nước nhưng lại như “ông chủ thật”.
“Từ đó tạo ra tâm lý không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để trở thành người làm thuê thật sự, lại phải đảm bảo chỉ tiêu của Đại hội cổ đông giao, ví dụ 10 - 15% cổ tức chẳng hạn, như vậy áp lực và vất vả hơn nhiều”, ông Trần Quang Nghị nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia đánh giá, vấn đề về lợi ích đã hằn sâu trong nhận thức của những người quản lý ở DN Nhà nước. Đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, nhiều cá nhân đang quản lý DN Nhà nước không muốn nhanh chóng cổ phần hóa vì động chạm đến lợi ích cá nhân của họ. Không ít người phụ trách quản lý DN Nhà nước, đổi mới DN Nhà nước đã cố trình níu kéo để còn có lợi ích gắn liền với chuyện quản lý vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nêu thực tế, có chuyện lãnh đạo Bộ, UBND tỉnh cử người thân nắm giữ vị trí chủ chốt trong các DN Nhà nước sau khi cổ phần hóa để quản lý vốn, hoặc cử cán bộ quản lý không theo năng lực mà dựa vào thân quen, thậm chí diễn ra chuyện mua quan bán chức, làm cho chất lượng quản trị ở nhiều DN kém đi, dù đã được cổ phần hóa. Cũng do năng lực quản trị kém, thiếu giám sát, công khai, minh bạch nên dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, đầu tư không hiệu quả như những sự việc bê bối ở PVC, gang thép Thái Nguyên… “Tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước diễn ra chậm vì đang bị cản trở bởi các nhóm lợi ích”, ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.
Trong thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước, không ít người lợi dụng thay đổi chính sách để trục lợi, làm giàu nhanh chóng từ nguồn cổ phần hay đất đai… Thậm chí, người đứng đầu DN cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm “hạ giá” tài sản nhà nước trong DN, sau đó tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty… Có tình trạng thâu tóm DN với giá rẻ mạt qua giao dịch thỏa thuận, bày đặt đấu giá kiểu “diễn kịch”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cổ phần hóa nhiều nhưng vẫn chưa có luật về cổ phần hóa, đấy là một kẽ hở lớn. Có nhiều DN Nhà nước sau một thời gian cổ phần hóa lại rơi vào nhóm lợi ích. “Không công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa đã tạo cơ hội cho nhiều người trục lợi, mua cổ phần ưu đãi rồi giàu lên từ đó”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.
Kỷ luật chưa nghiêm
Quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước thời gian qua, kỷ luật vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. “Đến nay, chưa thấy có vị Chủ tịch, TGĐ DN hoặc Bộ trưởng, Thứ trưởng nào bị cách chức vì không triển khai cổ phần hóa”, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI thẳng thắn. Bên cạnh đó, khâu giám sát việc thực hiện cổ phần hóa chưa nghiêm túc.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, hiện nay chế tài cho sự chậm trễ cổ phần hóa chưa thật rõ. Điều này cho thấy những hạn chế trong vấn đề nhận thức, cơ chế cần phải tháo gỡ.
Bàn về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) phân tích, kết quả thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước là hết sức chậm, khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ này đã được đốc thúc trong nhiệm kỳ trước, thậm chí đã có chỉ đạo nơi nào làm chậm thì người đứng đầu bộ, ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm, sẽ mất chức. “Nhưng khi đã hết khóa, việc chậm đã rõ mà vẫn chẳng thấy ai mất chức cả… Câu chuyện vỡ trận tại Vinashin sẽ vẫn còn”, đại biểu Phùng Đức Tiến cảnh báo.
Như vậy, để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước nhanh và thực chất hơn, yêu cầu đặt ra là dần xóa bỏ đặc quyền dành cho DN Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các DN Nhà nước tự lớn lên cũng như tự đào thải theo quy luật của kinh tế thị trường. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đồng bộ, thoái vốn Nhà nước một cách công khai, minh bạch; tăng cường kiểm tra, giám sát; gắn cổ phần hóa DN Nhà nước với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết thực hiện kỷ luật nghiêm minh để không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm tồn tại.