Vui Tết độc lập
Thông tin từ Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 1 đến 4/9, tại Làng sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc với chủ đề “Vui Tết độc lập”.
Hoạt động điểm nhấn của sự kiện là "Chợ vùng cao vui Tết độc lập" với không gian chợ được tái hiện thông qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú...
Trong đó, trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng giới thiệu sản vật dân tộc, các loại gia vị, món ăn đặc trưng như thắng cố, rượu ngô mèn mén, lợn sữa quay móc mật, vịt quay, phở chua, bánh cuốn trứng, xôi nếp bảy màu, gà nướng, cơm lam, cá nướng... cùng không gian giới thiệu văn hóa, du lịch, sản phẩm làng nghề, đồ lưu niệm thủ công; triển lãm sắc màu vùng cao.
Bên cạnh đó, vào các khung giờ cố định, sẽ có chương trình dân ca, dân vũ với những tiết mục mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc và các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc, tạo không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc mừng Ngày Quốc khánh 2/9.
Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9 có sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ trong đó hơn 100 người đến từ 15 dân tộc là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (TP Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng)...
Bên cạnh đó, từ ngày 29/9 - 1/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra 2 chương trình gồm: “Festival Thu Hà Nội” và Không gian ẩm thực Hà Nội nhằm quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa, du lịch, thu hút du khách đến với Thủ đô.
Festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - Đến để yêu” với 150 gian hàng chia thành các khu vực bố trí dọc phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác gồm: khu vực giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tiêu biểu; các không gian “Sắc hoa mùa Thu;” “Vườn Ánh sáng" (bằng sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ); “Quà tặng mùa Thu”.
Ngoài ra, Festival Thu Hà Nội 2023 sẽ có chuỗi hoạt động như: tổ chức đám cưới xưa và nay tại sân khấu và phố Đinh Tiên Hoàng; hoạt động dân vũ, khiêu vũ thể thao; trình diễn thời trang áo dài; hoạt động diễu hành của thiếu nhi, vẽ tranh thiếu nhi và triển lãm tranh thiếu nhi; diễu hành xích lô du lịch, xe đạp, xe bus 2 tầng trên đường Thanh Niên, phố Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu; Triển lãm ảnh Sắc thu Hà Nội tại trung tâm văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm) và khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ...
Cũng trong thời gian từ 29/9 đến 1/10, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ có không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt”, trưng bày, biểu diễn ẩm thực truyền thống, tái hiện những món ăn truyền thống của Hà Nội như: bún thang, chả cá Lã Vọng, bún ốc nguội, xôi Phú Thượng, ô mai, bánh mì... Điểm nhấn tại đây là không gian của Phở Hà Nội, nét tiêu biểu của ẩm thực Hà Thành và một số thương hiệu phở nổi tiếng khác.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc
Trong dịp chào mừng 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Hà Nội cũng diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật. Theo đó, vào 14 giờ ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra Hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi".
Năm thứ 13 tổ chức, Chương trình năm nay điểm mới chính là những gương mặt nghệ sĩ trẻ, như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, nữ ca sĩ Đỗ Tố Hoa… lần đầu tiên tham gia hứa hẹn mang đến làn gió mới, đồng thời là điểm hẹn nghệ thuật để nghệ sĩ thể hiện tâm huyết của sức trẻ đóng góp cho chương trình cũng như sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.
Tại Chương trình "Điều còn mãi 2023", bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng như: “Bóng cây Kơ Nia” (Phan Huỳnh Điểu), “Trăng sáng đôi miền” (An Chung), “Áo mùa đông” (Đỗ Nhuận), “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Giai điệu Tổ quốc” (Trần Tiến)… “Điều còn mãi" năm nay còn giới thiệu ca khúc mới được nhiều người trẻ yêu thích như: “My Kool Việt Nam” (Thanh Bùi) và “Những trái tim Việt Nam” (Phương Uyên).
Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân Thủ đô tại một số quận huyện trên địa bàn TP. Cụ thể, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ biểu diễn tại Trung tâm quận Nam Từ Liêm vào tối 1/9. Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức biểu diễn tại sân khấu trước trụ sở UBND TP Hà Nội tối 2/9. Trung tâm Văn hóa TP sẽ biểu diễn tại trung tâm quận Tây Hồ vào tối 2/9...
Theo Sở VH&TT Hà Nội, với chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, các đơn vị, nhà hát sẽ mang tới cho khán giả Thủ đô các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn và ý nghĩa.
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại 2 điểm: tầm cao từ đầu đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm), và điểm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, nằm tại quận 11.
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền và các hoạt động văn hóa, kích cầu du lịch, bắt đầu từ ngày 31/8/2023 đến hết ngày 1/9/2023 tại khu vực khuôn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Tại Vĩnh Phúc, trong các ngày 19/8, 1/9 và 2/9, tại khu vực Quảng trường – Nhà hát tỉnh có chương trình ca múa nhạc phục vụ Nhân dân. Cùng với đó, vào tối 1/9, tại Nhà hát tỉnh có tuần phim phục vụ Nhân dân; còn tại các huyện, TP có các buổi chiếu phim lưu động, từ ngày 30, 31/8 và ngày mùng 4, 5/9.