Đặc sắc kiến trúc Đông Dương

KTS Trần Quốc Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có thể coi là cái nôi của kiến trúc Đông Dương với rất nhiều công trình đã được xây dựng, cho đến nay vẫn được bảo tồn tương đối bài bản và trở thành một bộ phận di sản kiến trúc quý giá của Thủ đô.

Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các công trình kiến trúc chủ đạo được xây dựng ở Hà Nội thời kỳ đầu của chế độ thực dân đều mang các phong cách tính áp đặt từ chính quốc như phong cách Beaux Art, phong cách địa phương Pháp. Sau một thời gian sử dụng, người ta nhận thấy các công trình mang phong cách áp đặt hoàn toàn không phù hợp với khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống thẩm mỹ, văn hóa và con người Việt Nam.

Điều này đã tạo ra những làn sóng phản ứng mạnh mẽ của người dân bản địa, ngay cả giới trí thức Pháp cũng tạo áp lực lên chính quyền thực dân. Chính vì thế, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut với đường lối chính trị mới của mình đã mong muốn các công trình xây dựng phục vụ cho một nền chính trị mới phải được cập nhật các giá trị văn hóa mà những tinh hoa bản địa được kết hợp chặt chẽ trong đó.

Kiến trúc sư Ernest Hébrard - người tiên phong tạo ra phong cách mới phù hợp với yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương. Đó là sự kết hợp thành tựu công nghệ và văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa, kiến trúc bản địa, nhằm tạo ra những công trình kiến trúc hiện đại kiểu Pháp nhưng lồng ghép thêm những đặc trưng truyền thống của kiến trúc Việt Nam, sau này được gọi là phong cách Đông Dương.

Kiến trúc phong cách Đông Dương là sự kết hợp hết sức tinh tế giữa nền văn hóa Pháp và nền văn hóa Việt, giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt. Một số công trình tiêu biểu cho lối kiến trúc này tại Hà Nội cho đến nay vẫn được bảo tồn tương đối bài bản, nguyên vẹn.

Tòa nhà chính Đại học Đông Dương (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Dược Hà Nội) là tác phẩm đầu tiên theo phong cách Đông Dương do các kiến trúc sư P.Sabrié và E. Hébrard thiết kế năm 1920, xây dựng năm 1924. Tòa nhà hiện nằm tại phố Lê Thánh Tôn, án ngữ tuyến phố Lý Thường Kiệt, xế phía trước có một vườn hoa nhỏ, đã tạo ra một điểm nhấn đô thị nổi bật.

Điểm nhấn cho khối trung tâm tòa nhà là bộ mái ngói nhiều lớp theo hình bát giác không đều, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ. Bộ mái ngói còn được sử dụng như một hình thức kết thúc phương đứng ở hai cánh nhà, ở tiền sảnh phía sau nhà, trên các cửa sổ được che bởi các ô văng chéo dán ngói.

Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924, xây dựng năm 1928. Công trình nằm trong bối cảnh khu vực trung tâm hành chính – chính trị của Hà Nội (hiện nay là khu vực quảng trường Ba Đình) theo phương án quy hoạch của E.Hébrard, tòa nhà nằm trên phố Điện Biên Phủ là điểm kết thúc của trục đường Chu Văn An.

Mặc dù về tổ chức mặt bằng không gian chức năng hoàn toàn theo phong cách của các toà nhà hành chính ở Pháp lúc bấy giờ nhưng về mặt xử lý kiến trúc, tác giả đã khéo léo kết hợp với các thành phần và chi tiết kiến trúc phương Đông tạo ra nét bay bổng, hòa nhập với cảnh quan xung quanh. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở công trình này là việc xử lý bộ mái ngói với rất nhiều lớp mái, nhiều hình thức mái được tổ hợp một cách nhuần nhuyễn. Chính vì vậy, công trình đôi khi còn được gọi là “ngôi nhà trăm mái”.

Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) do các kiến trúc sư E.Hébrard và C.Batteur thiết kế năm 1925, xây dựng năm 1932. Công trình nằm tại phía sau của Nhà hát Lớn Hà Nội, trên khu đất chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Trần Quang Khải. Đây có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, một sự nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.

Hình khối mặt đứng công trình được nhấn mạnh bởi hệ thống mái che khối sảnh hình bát giác nhô cao phía trên công trình. Đây là một hệ ba lớp mái bao gồm mái trên có độ dốc lớn, được ngăn cách với các mái dưới bởi hệ thống cửa lấy sáng và một hệ con sơn liên tục gợi lại hình ảnh gác chuông chùa Keo, Thái Bình. Toàn bộ hệ mái che các khu trưng bày được cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở các công trình tín ngưỡng Việt Nam truyền thống. Phần mái đua được đỡ bởi hàng cột kép kết hợp với hệ con sơn cách điệu cùng các họa tiết trên lan can tạo ra một dáng vẻ Á Đông rõ rệt.

Nhà thờ Cửa Bắc có tên chính thức là Giáo đường kính Nữ vương các thánh tử đạo do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế và được xây dựng khoảng đầu những năm 1930 trên khu đất góc phố Phan Đình Phùng giao với phố Nguyễn Biểu. Mặt bằng nhà thờ theo cấu trúc nguyên tắc nhà thờ thời kỳ Phục Hưng có hình chữ thập và tháp chuông ở một phía. Không gian nội thất được cấu trúc và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ châu Âu thời Phục Hưng tiền kỳ.

Hệ thống mái ngói kiểu Phương Đông được tác giả tổ chức kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ là nét đặc sắc của công trình. Các mái chính đều được tổ chức thành hai lớp theo kiểu chồng diêm, giữa chúng là hệ thống cửa sổ lấy sáng lắp kính được trang trí bằng các họa tiết không quá cầu kỳ.

Ngoài ra còn rất nhiều lớp mái phụ che nắng và chống mưa hắt cho các cửa sổ, thậm chí còn có những lớp mái nhỏ chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần. Hệ thống cửa lấy sáng và trang trí được tác giả đặc biệt lưu tâm, nổi bật là hệ ba cửa hình hoa hồng được đặt ở các mặt đứng phía Tây, Nam và Bắc, các cửa này đều có diện tích rất lớn và được lắp kính cản quang kết hợp kính màu.

Nhờ sự kết hợp các yếu tố kiến trúc Phương Đông với những nguyên tắc tổ chức không gian nhà thờ Công giáo phương Tây, sự hài hòa của công trình với cảnh quan thiên nhiên bản địa, nhà thờ Cửa Bắc có thể được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội.

Lời kết: Hà Nội có thể coi là nơi ra đời của phong cách kiến trúc Đông Dương, đây cũng là nơi xây dựng công trình theo phong cách này nhiều nhất ở Việt Nam. Các công trình kiến trúc Đông Dương được xây dựng ở Hà Nội rất đa dạng về công năng, từ các công trình hành chính, giáo dục, văn hóa, tôn giáo cho tới nhà ở.

Tuy nhiên, các công trình nêu trên đều có điểm thống nhất là việc tổ chức mặt bằng công năng hoàn toàn theo kiểu Pháp lúc bấy giờ, nhưng toàn bộ lớp vỏ công trình đều lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ truyền Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc tổ chức công trình với các khuôn viên cây xanh hay vườn hoa phía trước làm cho các tòa nhà kiến trúc Đông Dương rất hài hòa với cảnh quan nhiệt đới bản địa và trở thành những điểm nhấn thú vị trong không gian đô thị Hà Nội đang phát triển rất mạnh mẽ hiện nay.