Sáng 17/2, trong không khí vui tươi, phấn khởi đầu Xuân Quý Mão 2023, chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023), mừng ngày Thơ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng tổ chức chương trình giới thiệu tập “Văn nghệ Đan Phượng 2023”.
Nhiều mảng đề tài mới, góc cạnh
Từ tập đầu tiên được ra mắt vào Xuân Quý Mùi năm 2003, đến Xuân Quý Mão năm nay, ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng” thứ 23 tiếp tục được giới thiệu tới độc giả gần xa. Trước đó, bị gián đoạn hai năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng” vẫn được in ấn nhưng không thể tổ chức ra mắt.
Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2023” với 250 trang sách gồm nhiều thể loại như văn, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, thư pháp và các bài nghiên cứu về truyền thống văn hóa của quê hương. Các tác giả Đan Phượng và nhiều văn nghệ sĩ đã gửi gắm vào từng trang sách cả tình yêu quê hương đất nước, sự kính trọng ngợi ca công ơn Bác Hồ vĩ đại, Đảng quang vinh, ngợi ca truyền thống quê hương Đan Phượng anh hùng.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên chia sẻ, tập “Văn nghệ Đan Phượng 2023” là một món quà quý nhân dịp đầu Xuân năm mới gửi tới quý độc giả, một bữa tiệc tinh thần phong phú, đậm vị quê hương. “Văn nghệ Đan Phượng 2023” thể hiện tấm lòng trân trọng, tự hào của các tác giả đối với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Đan Phượng
“Chúng tôi rất vui mừng vì trong tập sách này có sự tham gia của một số tác giả mới trong và ngoài huyện. Nhiều mảng đề tài mới, nhiều tác phẩm hay và có sự tìm tòi, khai thác và thể hiện các góc cạnh của cuộc sống. Với những góc nhìn phong phú, đa dạng, hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm nhận mới sâu sắc hơn về cuộc sống, về quê hương, đất nước” – bà Bùi Thị Quyên chia sẻ.
Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, văn hóa là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi con người. Trong thời đại công nghệ hôm nay, văn hóa lại càng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng đời sống xã hội. Nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật của Nhân dân ngày một phong phú, đa dạng cũng như sự biến chuyển cần thiết trong đời sống văn hoá, trong đó có phong trào sáng tác thơ ca, nghệ thuật, tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hoá của Nhân dân.
Trong nhiều năm qua, huyện nhận được rất nhiều tình cảm của các văn nghệ sĩ, đã dành sự yêu mến và nhiều tâm huyết sáng tác về quê hương Đan Phượng. Các tác phẩm trong “Văn nghệ Đan Phượng 2023” chính là tâm tư, tình cảm mà các tác giả cảm nhận được từ cuộc sống hàng ngày và từ sự chuyển mình lớn lao trên quê hương Đan Phượng.
Sự ra đời và liên tục các ấn phẩm Đan Phượng thơ, Văn nghệ Đan Phượng 21 năm qua với 23 ấn phẩm là minh chứng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng đối với ngành văn hóa, đối với các văn nghệ sĩ trong và ngoài huyện cùng những đóng góp sản phẩm tinh thần tạo ra nhiều động lực góp phần xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp văn minh.
Dấu ấn đặc biệt đối với ngành văn hóa huyện Đan Phượng, năm 2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 244 ngày 15/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh chia sẻ, nhiều năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ của huyện Đan Phượng có sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện cả ở bề nổi lẫn chiều sâu. Qua mỗi ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng” đều thể hiện rõ nét văn hóa tinh túy xứ Đoài rất riêng của Đan Phượng, chất lượng tốt, được độc giả đón nhận.
“Đặc biệt, “Văn nghệ Đan Phượng" còn thể hiện nét văn hóa của một vùng quê đang trên đà phát triển như làn điệu hát chèo Tàu của Tổng Gối, ca trù Thượng Mỗ, đóng góp làm phong phú bản sắc văn hóa xứ Đoài, ghi lại dấu ấn văn hoá đậm nét trong phong trào văn hóa của Thủ đô” – bà Lý Thị Thúy Hạnh nhấn mạnh.
Dấu ấn văn hóa xứ Đoài
Tập “Văn nghệ Đan Phượng 2023” dày 250 trang, bìa cứng, khổ 14,5cm x 20,5 cm và được in 1.000 cuốn. Ấn tượng đầu tiên nổi bật ngay từ bìa sách là sắc màu ấm áp của sắc hoa đào, hoa mai ngày Tết, trên nền không gian là hình ảnh trò chơi dân gian đánh đu, gợi không khí lễ hội vui Xuân đẹp mắt.
Theo nhà thơ Bùi Phương Thảo – con gái của cố nhà thơ Quang Dũng, cũng là một người con của quê hương Đan Phượng, trên bìa là chữ thư pháp “Đan Phượng” như tên gọi “Đan là màu đỏ thắm tươi. Phượng là chim Phượng giữa trời tung bay”, thể hiện sự chung sức mục tiêu phấn đấu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Đan Phượng quyết tâm xây dựng huyện trở thành quận.
Nội dung được đề cập nhiều nhất trong ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng 2023” là tình yêu đối với quê hương Đan Phượng đang ngày một đổi mới. Với thể loại phong phú, chất liệu ngôn ngữ mộc mạc, các tác phẩm toát lên tinh thần sống lạc quan, hướng tới cuộc sống tốt đẹp và cùng chung tay xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp và phát triển.
Mở đầu cho ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng 2023” là bài thơ “Mừng Xuân Quý Mão” của tác giả Nguyễn Xuân Cửu - nguyên Bí thư Huyện ủy Đan Phượng. Bài thơ gửi gắm niềm tin vào một mùa Xuân tươi đẹp, một năm phát triển trên quê hương Đan Phượng anh hùng: "Xuân sang Quý Mão đón chào/Rộn ràng khí sắc mai đào ngát hương/Khát khao đất nước hùng cường/Muôn người cống hiến nối đường vinh quang".
Tiếp theo là hình ảnh quê hương Đan Phượng đang từng ngày đổi mới trong bài thơ “Đan Phượng mùa Thu” của tác giả Cảnh Dung, xã Tân Hội: "Con đường làng thân quen/Xưa gập ghềnh đá sỏi/Nay bằng phẳng thênh thang/ Xe nối xe hối hả/Bao nhà tầng khoe hoa/Làng quê thành phố nhỏ/Bạn ơi quê tôi đó/Đan Phượng tình bao la..."
Miền quê Đan Phượng của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng dẫn dắt uyển chuyển với lòng tự hào về Đan Phượng với cội nguồn lịch sử, văn hóa lâu đời còn lại qua những di tích lớn nhỏ và các danh nhân quê hương: "Vào trung tâm thị trấn Phùng/Lên thăm đập Đáy cầu Phùng bắc ngang/Tượng đài phụ nữ đảm đang/Ngã ba sừng sững hiên ngang đón chào".
Với tình cảm sâu nặng dành cho cha, nhà thơ Quang Dũng và những ký ức không có ở tuổi thơ về quê hương, tác giả Bùi Phương Thảo – Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài viết những lời da diết, quê hương luôn đẹp như một miền cổ tích trong bài thơ “Chiều Đan Phượng”: "Cây gạo giữa làng nghiêng mình tỏa bóng/Rêu phủ cầu ao tre trúc lên xanh/Chợ Phùng vẫn họp đôi phiên mỗi tháng/Kẽo kẹt gánh gồng lúng liếng trầu cay".
Trong ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng 2023” không chỉ có thơ mà còn có những tác phẩm văn và tùy bút. Nội dung nổi bật trong mục này là bài dịch văn tế Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành do PGS.TS Đỗ Thị Hảo sưu tầm và dịch thuật giúp người đọc hiểu thêm về một bản văn tế cổ, tài năng, đức độ của ngài, người con của Hạ Mỗ, thêm yêu và trân trọng giá trị lịch sử của quê hương mình.
Tác giả Minh Nhương - Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội với bài viết “Tục rước Lợn hóa voi - Gà hóa phượng làng Thụy Ứng” đã cho thấy những tìm hiểu kỹ lưỡng về tục làng rất đặc sắc này. Nhân dân coi đó là điềm lành, báo trước một năm mới công việc sẽ thuận lợi, phát triển…
“Văn nghệ Đan Phượng 2023” thể hiện tấm lòng trân trọng, tự hào của các tác giả đối với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Đan Phượng. Huyện Đan Phượng đang trên đà đổi mới, nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để phát triển thành quận. Rất mong Đan Phượng - nơi hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài sẽ có thêm các công trình văn hóa, con đường văn hóa xứng tầm” – nhà thơ Bùi Phương Thảo bày tỏ.
Ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng 2023” có sự tham gia của 102 tác giả thuộc các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và đông đảo các tác giả của Câu lạc bộ Văn nghệ huyện Đan Phượng, Câu lạc bộ xứ Đoài… Với 183 tác phẩm, trong đó thơ có 154 bài, văn xuôi có 8 bài, thư pháp có 9 bài, nhạc có 12 bài và 8 ảnh minh họa.