Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sắc lễ hội Tổng Nam Phù

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội Tổng Nam Phù là lễ hội truyền thống đặc sắc của huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội, hiện đang được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Tổng Nam Phù. Ảnh tư liệu
Lễ hội Tổng Nam Phù. Ảnh tư liệu

Nhằm tưởng nhớ công ơn của hai vị công chúa con vua Lý Thánh Tông đã có công dựng chùa, bỏ tiền bạc mua ruộng, dạy nghề cho Nhân dân, hàng năm vào các ngày từ 14 - 16/3 âm lịch, Nhân dân 9 xã 10 làng thuộc Tổng Nam Phù xưa, huyện Thanh Trì ngày nay vẫn tưng bừng mở hội ca ngợi công đức của hai vị.

Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc của huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội, hiện đang được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ bỏ lầu son, vui sống giúp dân

Lễ hội Tổng Nam Phù hay còn gọi là lễ hội 9 xã 10 làng, bao gồm các làng: Đông Phù, Mỹ Ả, Đông Trạch, Văn Uyên, Tranh Khúc, Tương Trúc, Tự Khoát, Việt Yên, Mỹ Liệt (huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá (huyện Thường Tín).

Xưa kia, 10 làng nói trên thuộc 9 xã của Tổng Nam Phù, đến nay do sáp nhập địa giới hành chính nên 10 làng hiện thuộc các xã: Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và Ninh Sở (huyện Thường Tín).

Tương truyền từ thời Lý Thánh Tông, hai người con song sinh của ông là công chúa Lý Từ Thục và công chúa Lý Từ Huy đến tuổi cập kê nhưng không chịu lấy chồng mà rời cung điện đến chùa Tự Khoát (chùa Hưng Phúc, xã Ngũ Hiệp) tu tập.

Vua cha vì quá thương các con đã cho đốt chùa để hai nàng trở về. Nhưng ý chí không hề lay chuyển, hai nàng lại về xã Đông Mỹ lập chùa Hưng Long tu tập. Vua cha không biết làm cách nào đành cho hai con chút tiền vàng để làm kế sinh nhai.

Từ đó hai bà dùng tiền vàng mua ruộng đất chia cho Nhân dân trong vùng, đồng thời dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cấy lúa… Đến nay, huyện Thanh Trì vẫn còn làng nghề nổi tiếng là bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà).

Năm Ất Hợi (1095) niên hiệu Hội Phong thứ 4, hai bà thấy sự tu hành đã đạt tới chính quả bèn cho hạ thông lập am dưới đất nơi giáp ranh giữa hai làng Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) để chuẩn bị về cõi niết bàn.

Hai bà tắm gội sạch sẽ rồi cùng hai vị thị giả mang hương nến, trầu cau xuống am thu thần thị tịch. Đến khi dân của 10 làng không nghe thấy tiếng mõ cùng hương khói bốc lên là lúc hai bà đã hóa về cõi Phật.

Làng Ninh Xá ở gần đó biết sớm nhất nên được vinh là chủ lăng và được làm chủ chính trong lễ rước kiệu trong ngày hội. Nơi đây được Nhân dân trong vùng xây thành lăng gọi là lăng Liên Hoa rất linh thiêng.

Lễ hội hoành tráng, cuốn hút

Để tưởng nhớ công đức của nhị vị Bồ Tát, Nhân dân Tổng Nam Phù cùng dân các vùng lân cận cứ 5 năm tổ chức lễ hội chính một lần vào các ngày từ 14 - 16/ 3 âm lịch, những năm khác tổ chức hội lệ. Lễ hội được tổ chức rất lớn và hoành tráng ở cả ba chùa Hưng Phúc (xã Ngũ Hiệp), chùa Hưng Long (xã Đông Mỹ) và chùa Phổ Quang (xã Ninh Sở).

Trong đó, ngày 14/3, lễ hội bắt đầu từ buổi sáng. Tất cả đoàn rước của các chùa sẽ đến bến Tranh Khúc, xã Duyên Hà để làm lễ xin nước và rước về chùa hành lễ bao sái (lễ mộc dục).

Tiếp đó là lễ bạch văn khai hội do đội tế nam thôn Tương Trúc và thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp thực hiện. Buổi chiều là lễ dâng hương hiến cúng của Nhân dân và các làng.

Ngày 15/3 là ngày hội chính, được mở màn bằng lễ rước kiệu võng nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống đi xuống lăng Liên Hoa. Đội rước kiệu của 3 chùa đều được tổ chức gần giống nhau với đội hình: đi đầu là đội trống cái và chiêng cùng với đội múa sư tử, múa rồng do các thanh niên trong làng đảm nhiệm, sau đó là đội quốc kỳ và ngũ sắc của các cháu thiếu nhi.

Tiếp theo là các cụ thái ông, lão bà trong trang phục truyền thống khăn đỏ áo đỏ cùng đội nhạc lễ, đội bát bửu. Sau đó là ban hương án của nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống do các nam nữ thanh niên đảm nhiệm. Tiếp đó là ban tế nam, cờ thần, trống, chiêng, đội sinh tiền...

Đoàn rước được tiếp tục với đội kiệu võng của nhị vị Bồ Tát với một thiếu nữ cầm kiếm đi đầu với trách nhiệm là nữ tướng hộ kiệu võng. Sau đó đoàn đội lễ được các thiếu nữ mặc áo dài của các làng đảm nhiệm. Sau cùng là các Phật tử và tín đồ, Nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.

Từ sáng sớm, các đoàn rước kiệu của cả 3 chùa cùng lên đường trong tiếng chiêng, trống, hò reo của Nhân dân bên đường; đến ngã ba kho gạo Đông Mỹ thì nhập làm một, cùng đi xuống lăng Liên Hoa để đảnh lễ nhị vị Bồ Tát.

Đoàn rước lần lượt vào lăng và an vị hương án, kiệu bát cống và kiệu võng; sau đó làm thủ tục hành lễ yết cáo chư thần và rước kiệu về chùa Hưng Long. Buổi chiều, tiếp tục các hoạt động tế lễ, dâng hương.

Sang ngày 16/3, tất cả các đám rước của 10 làng rước lên chùa Tự Khoát xã Ngũ Hiệp là nơi hai bà về tu hành đầu tiên và cũng là nơi thờ hai bà. Tại đây, các vị sư làm lễ tạ hội, sau đó đoàn rước làng nào về làng ấy. Vào những năm hội chính, lễ hội có tới hàng vạn lượt người tham gia.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình, trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích và 45 lễ hội truyền thống, trong đó có 1 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều).

Những năm qua, huyện luôn triển khai các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản. Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy và Chương trình 07-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Trì về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2026”, trong đó có nhiệm vụ đưa lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để xây dựng hồ sơ khoa học đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì, Sở VH&TT Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã triển khai thực hiện các bước theo quy trình, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành.

Tại các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân thuộc các xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Duyên Hà - nơi diễn ra lễ hội, người dân địa phương rất phấn khởi, tự hào và mong muốn lễ hội sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cần bảo vệ, gìn giữ, phát huy cho các thế hệ con cháu sau này.

Cụ Đặng Xuân Trường - người dân thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà cho biết, việc xây dựng hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là việc làm nhân văn, được Nhân dân địa phương ủng hộ. Còn ông Nguyễn Văn Lộng, người dân xã Duyên Hà cho rằng, nhờ công ơn của hai bà (công chúa) mà người dân 9 xã 10 làng của huyện Thanh Trì mới có được cuộc sống như ngày nay.

Việc đưa lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là việc làm cần thiết nhằm phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của huyện Thanh Trì nói riêng, TP Hà Nội và cả nước nói chung về phát triển công nghiệp văn hóa.

 

Năm nay, lễ hội Tổng Nam Phù là hội chính. Dự kiến vào các ngày diễn ra lễ hội, từ 14 - 16/3 âm lịch, Phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội) phối hợp với huyện Thanh Trì sẽ tổ chức ghi hình, dựng phim lễ hội Tổng Nam Phù tại 3 xã Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Đông Mỹ để hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền. Dự kiến cuối năm 2024, khi có kết quả của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL sẽ ra quyết định công nhận.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình