Tại đường Tố Hữu, cứ cách vài chục mét lại có một điểm bán đặc sản An Giang – đấy là món bánh chuối. Thú thực là tôi cũng đã từng ghé An Giang nhưng ở nơi phát sinh món đặc sản nói trên, mật độ cửa hàng bán món bánh chuối không thể nhiều bằng đường Tố Hữu. Thứ đến là món bánh đa Kế, ở đầu các cây cầu như Chương Dương, Long Biên, Mai Lĩnh… chỗ nào cũng có người đứng đường chào mời khách qua đường mua loại quà được cho là có xuất xứ ở vùng Dĩnh Kế, tỉnh Bắc Giang. Món đặc sản xứ Thanh (là nem chua) lại được người ta dùng loa phát oang oang, “du bán” khắp hang cùng ngõ hẻm!
Ở một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, hoa quả có suốt 4 mùa. Vào vụ vải, khắp nơi rao bán vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà. Đến lúc hết vải cũng là khi nhãn vào vụ, đấy là thời khắc nhãn xuất xứ ở Sơn La cũng được gắn mác nhãn lồng Hưng Yên… Chôm chôm, vú sữa, mãng cầu, sầu riêng dừa Xiêm, xoài cát thì tại miền Tây Nam Bộ tỉnh nào chả có. Thế nhưng một khi ra đến Hà Nội, dừa Xiêm dẫu ở Long An cũng được gắn mác Bến Tre, vú sữa ở Hậu Giang cũng phải gắn với địa danh Lò Rèn (Châu Thành, Tiền Giang)…
Điều đáng bàn ở đây, là từ lâu, ngành chức năng của TP đã có quy định siết chặt việc quản lý thực phẩm, thức ăn đường phố. Thế nhưng, do quản lý không chặt nên vẫn có nơi chính quyền làm ngơ cho những người kinh doanh ở vỉa hè, oang oang quảng bá bán "đặc sản" khắp vùng, miền. Nếu xuất xứ hàng hóa không chuẩn, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu đặc sản “xịn” được xây dựng từ lâu. Mặt khác, với những đồ ăn, thức uống, hoa quả bày bán lăn lóc ven đường, ai dám khẳng định nó đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm? Nếu chẳng may ảnh hưởng đến sức khỏe, khi ấy người tiêu dùng sẽ là nạn nhân chẳng biết kêu ai! Ngoài ra, việc từ sáng sớm tới đêm khuya, vỉa hè, lòng đường bị hàng trăm, hàng ngàn người chiếm dụng để kinh doanh “đặc sản” đã và đang góp phần làm giao thông ùn tắc, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng.