Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại án tại VNCB: Bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu lừa đảo?

Công Tiến - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/8, phiên xét xử đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) được tiếp tục với việc Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ án và việc bà Hứa Thị Phấn thật sự có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?

Theo Viện kiểm sát (VKS), bị cáo Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín trong tình trạng vốn chủ sở hữu đang bị âm 2.654 tỷ đồng và đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do Nhóm Phú Mỹ của bà Phấn làm đại diện.
Ngày 25/8, phiên xét xử đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) được tiếp tục với việc Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ án và việc bà Hứa Thị Phấn thật sự có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
 Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa
Đại diện VKS cho rằng, Nhóm Phú Mỹ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Cụ thể là trong việc sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền, lấy tài sản không có giá trị để thế chấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền để sử dụng. 

Từ những nhận định này, VKS đề nghị HĐXX khởi tố vụ án tại tòa để điều tra xử lý, làm rõ các hành vi phạm tội của các đối tượng nêu trên. Đồng thời, cũng kiến nghị HĐXX thu hồi khoản tiền 851 tỷ đồng và 135 tỷ mà Danh đã trả cho bà Phấn tại VNCB. Riêng về phía bà Phấn, VKS cho rằng, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay liên quan đến 29 cá nhân, tổ chức vay tại Ngân hàng Đại Tín số tiền 3.571 tỷ đồng. Vì vậy, VKS kiến nghị cần phải khởi tố vụ án tại tòa để làm rõ các hành vi phạm tội của các cá nhân nói trên.

Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Ngọc Trung (bảo vệ quyền lợi cho bà Phấn), báo cáo tài chính hợp nhất niên độ kết thúc ngày 31/12/2011, đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán và dịch vụ tin học TP Hồ Chí Minh cũng như lời khai của ông Hoàng Văn Toàn  - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân Hàng Đại Tín trình bày tại phiên tòa chiều 8/8 thì vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Đại Tín là 3.215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 169 tỷ đồng.

Theo Kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thời điểm thanh tra, VNCB có thực trạng tài chính là vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, theo báo cáo tài chính của VNCB thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. 

Đồng thời, khi NHNN thanh tra, Ngân hàng Đại Tín trích dự phòng rủi ro bổ sung và xuất toán lại với số tiền 5.978 tỷ đồng, việc trích dự phòng quá lớn và không hợp lý dẫn đến việc âm vốn chứ không phải là bị mất vốn như một số nhận định. Vì vậy, khi xử lý và thu hồi nợ tốt thì vốn chủ sở hữu sẽ dương.

Về kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án liên quan đến bà Hứa Thị Phấn và Nhóm Phú Mỹ vì để VNCB trong tình trạng vốn chủ sở hữu đang bị âm 2.654 tỷ đồng, luật sư Trung cho rằng, tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố. Còn khi tòa án đã quyết định đưa ra xét xử thì việc khởi tố tại tòa là vượt giới hạn của phiên tòa.

Luật sự Trung tiếp tục đưa ra nhận định, đối với những vấn đề mà VKS nêu liên quan đến việc lừa đảo, trốn thuế… do không được HĐXX cũng như VKS thẩm vấn tại phiên tòa nên kiến nghị khởi tố Nhóm bà Phấn là không khách quan, không đúng với các quy định tại điều 196 Bộ luật TTHS về giới hạn việc xét xử.

Về yêu cầu thu hồi khoản tiền 3.600 tỷ đồng, luật sư cho rằng, bà Phấn và Nhóm Phú Mỹ không trực tiếp nhận được khoản tiền thanh toán của bị cáo Danh và Tập Đoàn Thiên Thanh. Đồng thời, VNCB đã tự quyết toán cho các khoản công nợ của Nhóm bà Phấn và sau đó các khoản tiền này đã được hòa vào với dòng tiền của ngân hàng để phục vụ kinh doanh.