Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng có hay không chuyện găm hàng xăng dầu từ đầu mối?

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 16/3, chất vấn Bộ trường Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về giá xăng dầu, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng về việc có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?

Trả lời các đại biểu liên quan đến vấn đề cung ứng, điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn ra số liệu cho thấy nguồn cung trong nước đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Bộ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu tháng 3 vượt sản lượng bình thường (từ 1 triệu khối trở lên). Nguồn cung không lúc nào thiếu.

Về giá xăng dầu, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, dù giá thế giới có biên độ tăng rất cao, từ 40-60%, song biên độ tăng trong nước chỉ 29-40% nhờ có sự điều hành linh hoạt, nhất là việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Các bộ liên quan cũng đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường để tiếp tục góp phần giảm giá xăng dầu. Sắp tới quỹ bình ổn không còn trong khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì cũng cần nghiên cứu các chính sách khác, nhất là công cụ thuế, phí để giữ nền kinh tề và đối tượng dễ bị tổn thương không khó khăn thêm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội 
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội 

Nếu doanh nghiệp vi phạm, dứt khoát sẽ xử lý

Nhắc lại khẳng định nguồn cung của Việt Nam không thiếu, sẽ tăng cường nhập khẩu của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) tranh luận, Bộ trưởng nói nguồn cung không thiếu, chúng ta sẽ tăng cường nhập khẩu. Nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài như vậy thì các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò như thế nào trong việc bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước? Bên cạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng có giải pháp nào căn cơ hơn để quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước, giá cả trên thị trường?

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng “đây chính là ẩn số để giải phương trình nguồn cung xăng dầu trong nước”. Theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta từng không có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn không thiếu xăng dầu. Có nhà máy lọc dầu mà không áp dụng các chính sách cần thiết thì cũng không có giá tăng chênh lệch quá xa so với thế giới như vừa qua.

Hiện Nhà máy Bình Sơn hoạt động tương đối ổn định nhưng công suất chỉ chiếm 30- 35% nguồn cung ứng. Trong khi đó Nhà máy lọc dầu Nghi sơn là liên doanh và hoạt động không hiệu quả, với khó khăn nội tại chủ yếu là vấn đề tài chính và hiện các bên liên doanh đang được yêu cầu thực hiện đúng cam kết cung ứng xăng dầu.

“Chỉ khi nào có cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng nguồn ở Nhà máy Nghi Sơn ra thị trường đảm bảo thì chúng tôi mới cho dừng nhập khẩu xăng dầu. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan xử lý cho triệt để” – Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, cơ quan của Quốc hội đang tiến hành giám sát nên thực chất vấn đề nội tại của Nhà máy Nghi Sơn là gì sẽ được làm rõ thời gian tới.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng có hay không chuyện găm hàng xăng dầu từ đầu mối? - Ảnh 1
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: daibieunhandan.vn

Tiếp tục nêu vấn đề tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chỉ ra thực tế: Khi hỏi các đại lý xăng dầu trên địa bàn thì được biết do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán. Đại biểu đề nghị: Bộ trưởng cho biết có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800/17.000 cửa hàng bán lẻ thì có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó phần lớn do sự cố kỹ thuật, có nơi găm hàng chờ tăng giá. Còn nơi nói không có hàng vì họ nhập nguồn từ Nhà máy Nghi Sơn nên khi nhà máy đột ngột giảm nguồn cung thì không dễ đi nhận hàng đầu mối khác, nhưng số lượng này không nhiều. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ hàng nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy Bình Sơn nên chỉ sau một vài ngày đã khắc phục được.

“Lực lượng chức năng đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối không thực hiện đúng chức năng thì dứt khoát xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép. Không có hiện tượng bao che, không cho qua chuyện” – Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ cương quyết.

Vẫn cần giải pháp căn cơ hơn

Nhiều đại biểu tiếp tục đặt vấn đề về vấn đề xăng dầu, trong đó, đại biểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần được quản lý, có điều tiết khoa học, chặt chẽ. Đại biểu cũng chia sẻ với những khó khăn trong điều hành cung ứng xăng dầu trong nước trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, đồng thời đặt câu hỏi về việc làm thế nào để bảo đảm căn cơ việc tiêu dùng của người dân, việc dự trữ của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi thực tế một số nhà máy sản xuất, nhà máy lọc dầu trong nước đến nay vẫn chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất?

Các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, trong bối cảnh xăng dầu thế giới diễn biến vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ. Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu. Chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư, là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ. Trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải nộp thuế...

Đồng thời, Bộ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay.