Đại biểu chưa hài lòng phần trả lời chất vấn của hai Bộ trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) và Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn các Bộ trưởng. Ảnh: TTXVN

Ngày 11/6, Quốc hội bắt đầu bước vào Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9. Cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của ngành, tuy nhiên, các đại biểu và cử tri chưa hài lòng với nội dung trả lời. 

Chưa vơi nỗi lo tiêu thụ nông sản

Có vẻ như sau những sự việc dưa hấu, hành tím bị ùn ứ thời gian qua càng làm cho các ĐB đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch sản xuất và tiêu thụ nông sản. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) băn khoăn: "Hiện nay nông dân trồng lúa thì phụ thuộc vào thương lái, trồng khoai lang, hành tím thì không có đầu ra, nuôi tôm cá thì bị kiện chống bán phá giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé  (đoàn Kiên Giang) và Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn các Bộ trưởng.  Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) và Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn các Bộ trưởng. Ảnh: TTXVN
Vậy, Bộ trưởng làm gì để bà con an tâm?". Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, thực tế câu chuyện tiêu thụ nông sản không phải lúc nào cũng không sáng sủa như thế. Tuy nhiên, ông Phát cũng thừa nhận vấn đề này cần phải có thời gian, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Trước câu hỏi của ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau): "Với trách nhiệm Bộ trưởng, đâu là giải pháp ổn định đầu ra, nhất là khi Việt Nam đã và đang ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước?", vị tư lệnh ngành nông nghiệp tỏ ra khá lúng túng. Theo ông Phát, nền nông nghiệp đang hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế quốc tế nên phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường quốc tế. Thế nhưng bản chất thị trường quốc tế luôn thay đổi, nên để đạt được sự ổn định tương đối là rất khó! Về chủ trương liên kết "4 nhà", Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận không thành công dù chính sách được đưa ra hơn 10 năm nay.

Hơn 60 câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong cả buổi sáng và buổi chiều tập trung chủ yếu vào 4 nhóm vấn đề: Xây dựng nông thôn mới, đầu ra nông sản, giải pháp phát triển cây công nghiệp và hỗ trợ khai thác nguồn lợi thủy sản, đánh bắt xa bờ. Mặc dù đã rất nỗ lực và cố gắng giải đáp các vấn đề ĐB Quốc hội chất vấn, song dường như phần trả lời của tư lệnh ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của ĐB. Nhiều câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát còn chung chung, thiếu cụ thể nên không ít ĐB đã tái chất vấn lần hai. Hơn nữa, các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa ngành nông nghiệp hội nhập được đánh giá là còn thiếu căn cơ và mang tính "lý thuyết".

Dù đánh giá khá cao các câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp không chỉ có quyết tâm mà phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện giải pháp tái cơ cấu ngành thành công. Việc tái cơ cấu nông nghiệp phải tính đến gắn với thương hiệu mạnh, thị trường tiêu thụ nông nghiệp, kèm theo các phân tích dự báo, lên kế hoạch, chỉ đạo tổ chức sản xuất...

Giá điện còn phải tăng

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề kinh doanh điện, xăng dầu vẫn độc quyền đồng thời giá điện, xăng dầu không theo cơ chế thị trường. " Ở Việt Nam, điện là mặt hàng rất kỳ lạ "chỉ biết tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá. Đó là điệp khúc kéo dài từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà đến nay"- ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu . Còn ĐB Nguyễn Văn Hiển (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói rằng người tiêu dùng đang phải gánh quá nhiều từ giá xăng dầu. "Đây là sự bất hợp lý" - ĐB khẳng định. Các ĐB chất vấn Bộ Công Thương tham mưu gì với Chính phủ trong điều hành xăng dầu, điện sang cơ chế thị trường giống các nước khu vực khác và khi nào có lộ trình để người dân được lựa chọn mua giá hấp dẫn nhất?

Trước các câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại dẫn giải   hàng loạt các quy định, nguyên tắc quản lý giá đối với hai mặt hàng này mà không thể trả lời cụ thể, rõ ràng như mong muốn của các ĐB. Để làm rõ hơn, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Ý của Bộ trưởng là lâu nay chúng ta bao cấp giá quá dài, giờ phải tháo bao cấp đó nên phải tăng giá điện theo lộ trình. Nghĩa là còn phải tiếp tục điệp khúc tăng giá?". Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận giá điện vẫn phải tăng nhưng "không dám tăng thường xuyên mà tăng theo lộ trình".

Và theo Bộ trưởng Bộ Công Thương thì đến năm 2016 sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, và phải từ năm 2021 mới thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Lúc đó thì giá hoàn toàn là thị trường. Khi ấy, người mua điện mới có thể tự do lựa chọn nhà sản xuất, bán điện.

Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần, Nghị định 83 mới thực hiện được 6 tháng, bên cạnh mặt tốt cũng có những điều cần điều chỉnh trong đó có liên quan đến chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Đồng thời, Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của ĐB và cùng các ban ngành xem xét lại.

Cùng chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin DN đầu mối đang đòi điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức. Tuy nhiên, "nhiều ĐB phản ánh lợi nhuận của kinh doanh xăng dầu lớn quá, nên liên bộ sẽ tiếp thu ý kiến rà soát yếu tố đầu vào của DN".

Suy giảm xuất khẩu chỉ là nhất thời!

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận 5 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu một số hàng hóa trong đó nông sản có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nói chung chỉ tăng 7,8%, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt được như mục tiêu Chính phủ đề ra 10%, là do nông sản gạo, thủy sản có giá thấp hơn, và xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 50% so với năm trước. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính như Nhật, EU đang có tình trạng tỉ giá thấp. Tuy nhiên, tư lệnh công thương lại cho rằng suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm "chỉ mang tính nhất thời".

Bàn về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội đầu ra cho những sản phẩm nông sản Việt Nam. "Ngành công thương khi đàm phán các hiệp định bao giờ cũng đặt vấn đề đối tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng này. Và phần lớn các đối tác chấp nhận mở cửa đối với những sản phẩm này với thuế suất 0% hoặc thấp nhất có thể. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, hiện nay Việt Nam đã ký được các hiệp định và biên bản thỏa thuận với 8 nước giúp tiêu thụ tổng khối lượng 5,5 triệu tấn/năm. "Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta tiêu thụ gạo ổn định trong dài hạn", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đồng thời  tin tưởng với việc đã và thực hiện các FTA đã ký kết, đồng thời nâng chất lượng nông sản thì thời gian tới sẽ khá hơn.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc mở rộng thị trường nhưng nhiều ĐB tiếp tục bấm nút chưa hài lòng cho rằng, về lâu dài giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa thuyết phục, tiêu thụ trong nước, giá cả vẫn đắt đỏ, thương lái nước ngoài vẫn hoành hành và chúng ta không kiểm soát được, đồng thời trong chiến lược thúc đẩy nông sản vẫn thiếu xây dựng thương hiệu cho một số hàng hóa chủ lực, nâng cao chất lượng kinh nghiệm thị trường thế giới nhất là chưa xác định cạnh tranh thế nào, đặc biệt là với các nước ASEAN.

Ngoài các vấn đề trên nhiều ĐB đặt câu hỏi liên quan đến vấn nạn hàng giả hàng nhái được kiểm soát đến đâu,  giá sữa tăng bất hợp lý và việc xử lý sai phạm chủ đầu tư các công trình thủy điện…  Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ được tiếp tục trong sáng nay (12/6).
Ý kiến
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:
Cá nhân tôi không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát khi nói DN là trung tâm của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp mà người nông dân phải là chủ thể. Nếu 9,7 triệu hộ nông dân không tham gia thì không ai có thể làm được. Nếu nông dân không tự liên kết theo mô hình kinh tế tập thể thì mãi mãi vấn đề giá, tiêu thụ sản phẩm hay chặt mía, chặt hồ tiêu... để trồng cây khác sẽ vẫn diễn ra.
ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh):
Bộ trưởng Cao Đức Phát mới đưa ra giải pháp về "phần ngọn" để sản xuất nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp muốn tham gia thị trường, trong trồng trọt yếu tố căn bản phải là giống, trong chăn nuôi là thức ăn. Hai cái đó bỏ ngỏ thì thị trường nào cũng không đạt được. Một năm, nước ta xuất khẩu 3,5 tỷ USD gạo nhưng nhập thức ăn gia súc tới 3,8 tỷ USD. Nói chung Bộ NN&PTNT đã có nỗ lực nhưng đang chạy theo giải quyết phần ngọn thì không bền vững.
ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội):
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nắm được các vấn đề tương đối chắc, đã đưa ra những giải pháp vĩ mô giải quyết yếu kém của ngành nông nghiệp. Bức xúc vừa rồi cử tri quan tâm tiêu thụ sản phẩm, giá cả nông sản chưa thật bền vững, tuy nhiên không chỉ riêng Bộ NN&PTNT làm được mà cần cả hệ thống. Điều tôi mong đợi là Bộ NN&PTNT cần có nghiên cứu cụ thể hơn về mô hình tổ chức nông nghiệp xanh, bền vững.
Ông Trương Văn Thịnh (xã Vân Phúc - huyện Phúc Thọ):
Tôi thấy, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời về phần giải pháp bền vững và lâu dài cho người nông dân chưa thực sự cụ thể. Chẳng hạn như, câu trả lời của Bộ trưởng "Chúng ta không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá, với mức giá thu mua cao mãi được. Nên tìm cách thích ứng với cơ chế thị trường". Vậy cách thích ứng đó là gì? Thực hiện như thế nào? Bộ trưởng nên đưa ra giải pháp cụ thể cho một số nông sản chủ lực của Việt Nam để tránh tình trạng nông sản bị ùn ứ, không tiêu thụ được ở một số địa phương.
Ánh Ngọc - Văn Thắng ghi