Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, cả báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách và ý kiến của UBTV Quốc hội đều cho thấy, các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản, tài nguyên, khoáng sản.
Để năm 2022 và các năm tiếp theo, công tác này có nhiều kết quả nổi bật hơn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà có đưa ra một số ý kiến sau:
Thứ nhất, về thực trạng, hiện nay báo cáo của Chính phủ mới chỉ tập trung vào những số liệu phản ánh thực trạng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên ngay cả số liệu về thực trạng cũng chưa đầy đủ. Ví dụ như, số liệu vi phạm trong trật tự xây dựng, chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.
Đặc biệt, nếu chúng ta chỉ đánh giá ở mức độ như đã nêu trên thì theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà “năm 2022 và các năm tiếp theo, công tác thực hành tiết kiệm của chúng ta khó có sự chuyển biến, Bởi lẽ, lãng phí cũng như tham nhũng. Đó là kẻ thù của Đảng, kẻ thù của Nhà nước, của chế độ và Nhân dân. Vì vậy, muốn chống lãng phí có hiệu quả thì quan trọng nhất, chúng ta phải nhận diện được kẻ thù của chúng ta, mà nhận diện kẻ thù thì không chỉ đánh giá ở mức độ mà đánh giá toàn hiện tình hình, cả tình hình thực hành tiết kiệm và tình hình chống lãng phí với 4 nội dung: mức độ, diễn biến, cơ cấu, tính chất. Chúng ta phải đánh giá thực trạng công tác này đang ở mức độ nào? Ví dụ như tham nhũng, chúng ta đánh giá ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, vậy lãng phí thì chúng ta phải đánh giá như thế nào? Về diễn biến năm 2022 so với năm 2021 và năm 2021 so với năm 2020 và các năm kế tiếp có sự biến động như thế nào, đặc biệt phải tập trung vào những lĩnh vực nhiều lãng phí và gây ra các hậu quả nặng nề cho nguồn lực của đất nước. Có như vậy, chúng ta mới có giải pháp đúng, trúng, làm thay đổi tình hình, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”
Thứ hai, về nguyên nhân, theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, hiện nay báo cáo tuy đã thẳng thắn chỉ ra 11 nhóm hạn chế nhưng chỉ có 2 nhóm có đề cập đến nguyên nhân, còn 9 nhóm hạn chế chưa nói đến nguyên nhân. Tôi rất mong Chính phủ chú ý đánh giá nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi lẽ, người đứng đầu mà có nhận thức, ý thức và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chắc chắn ở cơ quan tổ chức, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ ba về trách nhiệm, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ công tác phòng, chống lãng phí của chúng ta năm 2021 còn nhiều hạn chế, nhất là vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai như: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa đất của các nông, lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra kiểm toán. Vi phạm trong quản lý đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi.
"Tuy nhiên, tôi chưa nhận thức rõ, chúng ta đã xử lý tổ chức cá nhân nào và xử lý như thế nào? Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung này. Nội dung này, theo tôi, rất quan trọng vì nó giúp dân tin và giám sát, giúp chúng ta đạt được phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo vừa tạo ra cú hích, nâng cao hiệu quả công tác này trong năm 2022 và thời gian tới." - Ông Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.
Thứ tư, trong báo cáo năm 2021 của Chính phủ cũng như tất cả báo cáo các năm trước, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà thấy "vấn đề dự báo của chúng ta còn thiếu vắng hoặc rất mờ nhạt."
Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, dự báo là một nhiệm vụ rất quan trọng, có dự báo đúng, trúng, chúng ta mới chủ động tập trung nguồn lực, có giải pháp đầy đủ, hiệu quả để chống lãng phí nhất là trong những lĩnh vực xảy ra nhiều lãng phí, gây ra nhiều hậu quả và những lĩnh vực mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã gợi ý trước khi Quốc hội thảo luận vấn đề này. Đặc biệt, chúng ta cần đề xuất các nhóm giải pháp riêng như ý kiến của đại biểu Ngô Trung Thành đã phát biểu. Đó là nhóm giải pháp thực hành tiết kiệm và nhóm giải pháp chống lãng phí.