Sáng 8/7, trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 9 HĐND Hà Nội, các đại biểu đã bày tỏ quan tâm cũng như đưa ra một số giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu quận Thanh Xuân, cho rằng giải pháp cốt lõi giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch là cấp dòng chảy cho sông.
Có nên cống hóa sông Tô Lịch?
Theo ông Đức, việc Hà Nội bê tông hóa con sông là không nên bởi sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm địa lý, địa chất và phong thủy. Nói về giá trị lịch sử của sông Tô Lịch, ông Đức dẫn ra một ý thơ từ thời xưa:
"Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu".
Theo đại biểu quận Thanh Xuân, việc cấp lại dòng chảy cho sông không chỉ giải quyết được ô nhiễm con sông này, mà còn có thể tạo một hệ thống giao thông đường thủy.
"Năm 2006, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực đã đề xuất giải pháp trước mắt là cấp nước để sông Tô Lịch được chảy, sau này xử lý được ô nhiễm thì Tô Lịch cũng phải được chảy. Tôi đề nghị thành phố trước mắt cung cấp nước để dòng sông chảy", ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) lại cho rằng Tô Lịch giờ đây đã ô nhiễm quá nặng nề, Hà Nội nên bắt đầu tính tới các giải pháp khác thay vì cố gắng cứu sống con sông này.
Vừa qua UBND TP đã có chủ trương tìm những giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông, hồ, trong đó có sông Tô Lịch. Tuy nhiên, dựa theo thực trạng đô thị hóa và sông hồ của Hà Nội hiện nay thì việc xử lý rất phức tạp.
"Đề nghị UBND TP nghiên cứu đến các giải pháp khác mang tính bền vững hơn. Cụ thể, TP có thể xem xét cống hóa một số sông có tính chất là kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu", vị đại biểu nêu quan điểm.
Ông Tuấn cho rằng việc này có thể ngăn chặn việc xả thải bừa bãi, tăng thêm không gian công cộng, cây xanh cho thành phố.
Cần chấp nhận sự thật sông không thể hồi sinh
Trước đó, trả lời Zing.vn, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng TP cần chấp nhận sự thật sông Tô Lịch đã trở thành một kênh thoát nước thải và là một con sông chết. Việc con người tác động, làm sống lại con sông là không thể.
"Sông Tô Lịch chết đơn thuần bởi các điều kiện tự nhiên, địa chất thay đổi, làm mất dòng chảy con sông, mất luôn đường dẫn nước từ sông Hồng. Dù muốn hay không, chúng ta cũng cần chấp nhận sự thật Tô Lịch không bao giờ có thể quay trở lại là dòng sông trong xanh, nước chảy như trước nữa", ông Hồng nêu quan điểm.
Ông cho rằng việc đường dẫn nước từ sông Hồng vào Tô Lịch đã bị ngắt và lấp từ nhiều năm trước khiến cho việc đào lại dòng chảy cho con sông là điều không tưởng. Việc này sẽ ngốn nguồn kinh phí khổng lồ, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.
GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, cho rằng sông Hồng bản thân cũng không đủ nước để cấp cho chính nó, nên việc cấp nước cho Tô Lịch là điều không khả thi.
"Từ nhiều năm nay, nước sông Hồng luôn ở mức thấp, thậm chí còn không đủ để phục vụ nông nghiệp. Thời gian trước, một số chuyên gia đề xuất dùng máy bơm để bơm nước từ sông Hồng vào nhưng làm thế vừa tốn kém, vừa không bền vững. Bơm đến bao giờ mới đầy được Tô Lịch?", GS Hoàng Hải nói.