Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân
Theo thẩm tra chung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm; dự thảo Nghị quyết HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách những tháng cuối năm 2021, các Ban HĐND đề nghị UBND TP nghiên cứu để bổ sung kịch bản, phương án phù hợp để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Đến thời điểm hiện nay, thời gian để triển khai hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra còn rất ngắn, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình trạng hạn chế đi lại, lưu thông hàng hóa khó khăn còn gây tác động mạnh, ảnh hưởng xấu đến kinh tế cả nước và của Hà Nội.
Cùng với những giải pháp đã được UBND TP xác định, các Ban HĐND đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ và khả thi cao hơn để chủ động ứng phó với các khó khăn khách quan, phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu năm 2021. Trong đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm đã được UBND TP đề cập, các Ban nhấn mạnh, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, TP trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch để người dân biết, người dân hiểu, tin tưởng, ủng hộ, tự giác chấp hành và cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Tổ chức tiêm vaccine kịp thời, an toàn cho đối tượng, nâng cao hiệu quả công tác cách ly, điều trị, đồng thời chủ động phương án mở rộng tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi khi đủ điều kiện. Chủ động đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ". Bám sát diễn biến tình hình, kịp thời chuyển trạng thái; đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ, động viên các lực lượng tham gia phòng chống dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh “ không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid- 19”.
Bên cạnh đó, cập nhật các giải pháp, biện pháp điều hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo mới của Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp đặc thù của TP phù hợp với tình hình thực tế và khả năng, thẩm quyền của TP để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua, cập nhật diễn biến tình hình phòng chống dịch bệnh để dự báo sát hơn khả năng tăng trưởng, khả năng thu và nhu cầu chi ngân sách những tháng còn lại của năm 2021, xây dựng các nhóm giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - ngân sách đã đề ra.
Ngoài ra, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng với yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh. Hoàn thành lập và trình phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, sửa đổi Luật Thủ đô...
Tiếp tục thực hiện biện pháp “2 chữ G” cho doanh nghiệp Thảo luận về các nội dung này, đại biểu Lê Thị Thu Hằng thay mặt tổ đại biểu số 5 HĐND TP và cử tri quận Tây Hồ nhận định, công tác lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền TP thời gian vừa qua được Nhân dân và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, nhờ thực hiện các giải pháp mạnh để khống chế dịch bệnh, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, đã có những tác động rất nhiều đến đời sống Nhân dân, trong đó là những người lao động (NLĐ) nhất là lao động tự do, người nghèo, các đối tượng yếu thế, NLĐ ngoại tỉnh, người nước ngoài lưu trú lại trên địa bàn TP chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh.
Đặc biệt, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên để chính sách đi vào đời sống, có rất nhiều thủ tục hành chính phức tạp không thể thực hiện khi giãn cách, việc triển khai giải quyết thế nào để đúng đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách cũng không thực sự rõ ràng… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong quá trình triển khai thực hiện không có trục lợi chính sách, để quản lý chặt chẽ, không sai đối tượng đã gây áp lực lớn cho chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện. Vì vậy, việc Thường trực HĐND TP kịp thời ban hành các Nghị quyết 15, 16, 17 về quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, về hỗ trợ tiền nước sạch hay mai táng phí đã thực sự gỡ nút thắt trong quản lý. Việc mở rộng phạm vi đối tượng được hỗ trợ gồm 12 nhóm chính sách và các chính sách đặc thù của Hà Nội không chỉ thể hiện sự khẩn trương quyết liệt mà còn thể hiện sự quan tâm sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc của HĐND TP đã bám sát thực tiễn để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội.
Theo đại biểu, cử tri cũng đánh giá cao sự chủ động phối hợp của các sở ban ngành TP, Ban HĐND TP, của Ủy ban MTTQ TP trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt vai trò tham mưu của Sở LĐTB&XH, giúp việc triển khai thực hiện với phương châm “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện”. Qua đó, những người gặp nhiều khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời, người dân yên tâm, tin tưởng cùng chính quyền chống dịch. Cùng đó là tinh thần trách nhiệm chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo điều kiện để NLĐ được thụ hưởng các chính sách kịp thời.
“Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao Thường trực HĐND TP đã triển khai các đoàn giám sát kịp thời ngay khi ban hành các nghị quyết. Trong đó, các tổ đại biểu HĐND TP đến quận, huyện nhanh chóng vào cuộc giám sát việc thực hiện đảm bảo công khai minh bạch; trong thời gian giãn cách xã hội, cấp cơ sở còn có sáng tạo là công khai ngay trên các nhóm zalo của chi bộ, tổ dân phố… Với tinh thần tương thân tương ái không để ai khó khăn không được giúp đỡ, vai trò quan trọng của MTTQ đã được thể hiện rõ khi tập trung được khối đại đoàn kết toàn dân, có nhiều mô hình hay… Trên cơ sở đó, đã tạo được sự vào cuộc của toàn dân trong công tác phòng chống dịch, đồng hành cùng Thủ đô thực hiện tốt các nhiệm vụ”- đại biểu Lê Thị Thu Hằng bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Quốc Oai), công tác an sinh xã hội thời gian qua được TP đảm bảo tốt, tuy nhiên, trong nhóm đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP, có nhiều đối tượng chưa tiếp cận được. Đối với những nhóm lao động tự do, trong thời gian ngắn, Hà Nội đã rà soát và hỗ trợ được số lượng lớn. Tuy nhiên, có 1 nhóm cần hỗ trợ nữa, đó là nhóm chủ sử dụng lao động, trong quá trình triển khai thực hiện, mong thực hiện TP lưu ý, triển khai gói hỗ trợ cho đối tượng này.
Trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta xác định sống chung, lâu dài. Nhiều ý kiến của DN mong muốn các chính sách của TP được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, có thể truyền thông qua kênh Thuế và Bảo hiểm. Nếu có gói hỗ trợ cho DN, có thể căn cứ vào số thuế của DN đã nộp ở các năm trước đó để làm căn cứ đề xuất hỗ trợ. Nên chăng TP đề xuất Chính phủ dựa vào Luật Thủ đô, tìm chính sách đặc thù hỗ trợ cho Hà Nội không? Chúng ta phải xác định có những chính sách trước mắt để “cấp cứu”, và cũng cần có những chính sách lâu dài, căn cơ. Chúng ta phải phân loại, rà soát tình trạng DN ở Thủ đô, đánh giá có bao nhiêu DN đang tồn tại, hoạt động, để có những đề xuất lên Chính Phủ.
“Ngoài ra, chúng tôi muốn đề xuất chính sách hỗ trợ để có thể quay lại tình trạng bình thường mới, như việc tiêm vaccine mũi 2 thế nào, để cộng đồng DN sớm hồi phục, quay trở lại sản xuất, kinh doanh” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị.
Đại diện tổ Mê Linh, đại biểu Phạm Đình Đoàn cũng chia sẻ, thời gian qua, đại diện cộng đồng DN rất cảm ơn lãnh đạo TP, các đơn vị y tế, công an, quân đội… đã rất vất vả, lo lắng cho công tác phòng chống dịch của TP. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì DN sẽ gặp khó khăn thực sự nghiêm trọng, nhưng thật đáng mừng TP đã hoàn thành giãn cách xã hội. Thời gian tới, nhiệm vụ lớn của TP chính là khôi phục kinh tế, cũng rất quan trọng như công tác phòng chống dịch vừa qua.
Từ đó, ông Phạm Đình Đoàn nêu 3 đề xuất đối với TP. Thứ nhất, việc đảm bảo cho SXKD và đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào công tác chống dịch của TP. Nếu tính chi tiết các tổn thất của DN thời gian qua khoanh vùng rộng do dịch bệnh là rất lớn, vì vậy tới đây nên khoanh vùng hạn chế, triển khai tối đa áp dụng CNTT vào việc chống dịch, lưu ý lưu thông hàng hóa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân trong bất kỳ tình huống nào.
Thứ hai, về nhóm giải pháp thiết kế các chính sách hiệu quả cho DN, ông Phạm Đình Đoàn đề nghị TP đưa ra khái niệm “những DN tốt” (đóng thuế đầy đủ, thực hiện tốt chính sách với NLĐ, bảo vệ môi trường, không làm hàng giả hàng nhái…) để đưa ra chính sách riêng. Đồng thời, TP cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng DN; Ban xây dựng chính sách cho DN cần có nhiều thành phần tinh hoa của các hiệp hội và chuyên gia DN.
Thứ ba, về các nhóm giải pháp liên quan chính sách thuế, phí và lãi suất ngân hàng, theo ông Phạm Đình Đoàn, vừa qua khó khăn lớn nhất của DN chính là mất cân đối về dòng tiền và không có lợi nhuận. Riêng chi phí phòng dịch tại từng DN thời gian qua đã chiếm tỷ lệ quá lớn, trong khi không làm ra lợi nhuận mà vẫn phải trả lương cho NLĐ. Từ đó, đề nghị Chính phủ và TP thực hiện biện pháp “2 chữ G” cho DN - gồm giãn và giảm. Rõ ràng DN cần được hỗ trợ đúng thời điểm, như TP có thể cân nhắc thuế đất năm 2021 giảm 30-50% cho DN.
“Thủ đô với 8 triệu dân và gần 300.000 DN là kho chất xám rất lớn. Nếu TP tiếp tục tạo điều kiện để người dân và cộng đồng DN cùng đóng góp, hiến kế, chắc chắn Thủ đô sẽ vượt qua nhiều khó khăn không chỉ là dịch bệnh, để xây dựng TP văn minh, giàu đẹp”.