Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu phản ánh tình trạng xử lý cán bộ sai phạm kiểu “tặng quà”

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu quanh vấn đề kiểm tra công vụ, giải quyết vấn đề biên chế giáo viên mầm non…

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ trả lời về chức năng, nhiệm vụ tổ kiểm tra, giám sát công vụ của Thủ tướng.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Để đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật và nhiệm vụ thực hiện công vụ trong hoạt động của nền hành chính, năm 2018, Thủ tướng ban hành quyết định thành lập các tổ công tác kiểm tra công vụ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng, giao Thứ trưởng của một số Bộ làm Tổ phó.

Bộ đã ban hành quy chế hoạt động. Nhiệm vụ của tổ là kiểm tra tập trung vào việc kỷ cương kỷ luật hành chính, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và kế hoạch của Nhà nước, đạo đức công vụ, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đề bạt cán bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Theo Bộ trưởng, từ tháng 7 đến nay, Tổ đã thực hiện kiểm tra ở 12 đơn vị, gồm 8 tỉnh và 4 Bộ, ngành. Qua đó chỉ ra được vấn đề chấp hành chưa nghiêm quy định về nhiệm vụ hoặc quy định pháp luật, nhất là trong công tác cán bộ, tiếp công dân... Hàng tháng, Tổ công tác đều báo cáo Chính phủ và Thủ tướng.

Qua kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra bộ ngành với thành viên tổ công tác để hậu kiểm nên Tổ làm việc rất kỹ theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, kiểm tra lại và kiến nghị xử lý đối với một số vi phạm, đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục về đề bạt bổ nhiệm cán bộ. Qua kiểm tra cũng tìm ra những điểm pháp luật hiện quy định chưa phù hợp, là cơ sở tham mưu sửa đổi bổ sung chính sách cho phù hợp hơn.

Về tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế là thực hiện chủ trương Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Chính phủ có chỉ đạo xây dựng chương trình hành động và lộ trình. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương bộ ngành đều có xây dựng kế hoạch. Việc thực hiện tinh giản đi kèm sắp xếp tinh gọn bộ máy thời gian qua có chậm do một số văn bản thể chế chậm. Bộ được giao rà soát để sửa 4 luật, 12 Nghị định và khoảng 30 Thông tư để thực hiện trước mắt và lâu dài về tổ chức bộ máy

Qua báo cáo của người đứng đầu ngành nội vụ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề: “Trong các trường hợp Bộ Nội vụ đi kiểm tra và xử lý, tôi xem từ trên xuống dưới thấy rằng việc duy nhất là rút kinh nghiệm. Tình trạng này cho thấy xử lý không nghiêm đối với cán bộ”.

Dẫn ra các ví dụ cụ thể sự việc ở Thanh Hóa bổ nhiệm nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn vào chức Tổ trưởng thuộc Ban Chỉ đạo quy hoạch phát triển đô thị và nhà ở, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, bản thân đã nhiều lần ý kiến về vấn đề này nhưng được cho biết đây "không vào chức gì".

Đại biểu cũng chỉ ra sự việc ở Trà Vinh cũng bị xử lý nhưng lại chuyển sang làm Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp. Qua các sự việc này, đại biểu cho rằng, việc thuyên chuyển cán bộ khi vi phạm kỷ luật, bên trên làm nghiêm, bên dưới vẫn làm như "tặng quà", "đánh bùn sang ao", cử tri và nhân dân không tin tưởng. “Tôi cho rằng như thế là không nghiêm, cán bộ không trong sạch cần đưa ra khỏi bộ máy”, đại biểu nêu quan điểm.