Đại biểu Quốc hội: Báo chí đã thể hiện rõ vai trò trong phòng, chống dịch Covid-19

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều nay, 9/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội chiều nay. Một số đại biểu cho rằng, cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông.

Công tác truyền thông rất quan trọng
Theo đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông), dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, mọi ngành nghề, lĩnh vực đều gặp khó, trong đó có lĩnh vực thông tin truyền thông. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giữa tháng 3 năm nay, một trong những lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 là các doanh nghiệp truyền thông, chiếm 96%. Nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy bởi dịch bệnh. Thế nhưng, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. 
 Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Daibieunhandan.vn
Đại biểu cho rằng, trong cuộc chiến với Covid-19, chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, thông tin sai sự thật. Báo chí chính là lực lượng tích cực góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh ổn định đời sống và tâm lý cho người dân. Có thể khẳng định báo chí trong thời gian qua đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên theo đại biểu, những số liệu chuyên môn của Bộ, ngành được đưa ra truyền thông nhưng lại ít chất liệu phân tích dẫn đến một số thông tin bị hiểu lầm, gây hoang mang, lo lắng. Những yếu tố trên đã làm cho công tác truyền thông trong phòng, chống dịch cũng trở nên bị động, thiếu sự chuẩn bị bài bản.
Đại biểu nhấn mạnh, công tác truyền thông rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian tới, có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn. Nếu truyền thông không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương thì rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản chống dịch, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19.
Cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho rằng, cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành yêu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.
 Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng của lĩnh vực này, đại biểu đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông. Trong đó, Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế.
“Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được chuyển tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn gọn, rõ do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân nên tất cả các cấp, các ngành đều phải nắm được đầy đủ, chính xác để giải thích được với mọi người. Các thông điệp đó cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào”- đại biểu nêu.