Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn

Vân Hà - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 23/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định điều kiện của tổ chức kinh doanh bất động sản; cân nhắc việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn...

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) phát biểu tại kỳ họp
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) phát biểu tại kỳ họp

Quy định trách nhiệm của môi giới bất động sản phải mang tính pháp lý

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, đối với các quy định về sàn giao dịch bất động sản tại Điều 57 của dự thảo Luật đã thu hút sự quan tâm và tranh cãi liên quan đến việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch bất động sản sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất sản. Đồng thời, đảm bảo tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi luật được Quốc hội thông qua.

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) góp ý, Điều 57 của dự thảo Luật đặt ra rất nhiều băn khoăn khi bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn. Đại biểu lý giải, quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Điều 119 Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, Điều 57 quy định cũng quy định cả giao dịch thuộc diện khuyến khích thông qua sàn giao dịch bất động sản. Theo đại biểu, đối tượng khuyến khích ở đây hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, để thị trường bất động sản minh bạch, trong dự án Luật cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản…

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, bất động sản là hàng hóa thì rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì lại là hàng hóa rất đặc biệt. Thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi mà cần có một thị trường hoàn chỉnh. Chúng ta dù không có quy định về môi giới bất động sản thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian.

Vì vậy, để minh bạch thị trường bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án Luật quy định trách nhiệm của môi giới bất động sản phải mang tính pháp lý. Nếu như gặp rủi ro pháp lý, người môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đề nghị bổ sung điều kiện của tổ chức kinh doanh bất động sản

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật còn một số hạn chế và cần tiếp tục hoàn thiện Điều 10 và Điều 59 về điều kiện để tổ chức được kinh doanh bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) phát biểu thảo luận
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) phát biểu thảo luận

Theo đại biểu, quy định này hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự và cũng không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ đó, dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản (như tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn; tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn).

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản là: “Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn”.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 10 điều kiện cấm đối với cá nhân bán chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính và với chính khoản 1 Điều 10.

Về Điều 59,  đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị tách khoản 2 thành hai khoản, trong đó: Một khoản quy định về năng lực hành vi dân sự. Một khoản quy định về trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bổ sung và viết lại Điều 59 dự thảo Luật theo hướng: có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và chứng chỉ hành nghề; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; không đang bị tạm giữ chứng chỉ hoặc tước chứng chỉ.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Cùng mối quan tâm này, đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản là rất cần thiết. Vì vậy, cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà.

Đối với điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê. Còn công trình trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi nhà nước thu hồi đất.