Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các biện pháp kiểm soát giá bất động sản

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 23/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ quan tâm đến các quy định nhằm kiểm soát giá bất động sản; bảo vệ quyền lợi người mua nhà; các chế tài ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh bất động sản...

Thanh toán giao dịch bất động sản phải chuyển khoản qua ngân hàng

Cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, giá bất động sản có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù cần tôn trọng quy luật thị trường nhưng cũng cần phải quy định các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Thành phố Hà Nội)

Tại Điều 10 quy định về tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản, theo đó, tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo là nhà cửa, bất động sản vẫn phải đảm bảo các cái điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh theo luật này. Đại biểu cho rằng, mục tiêu bán tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng không phải là sinh lời, chỉ đơn giản là bán để thu hồi khoản vay, nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản; tổ chức tín dụng chỉ có thể thực hiện bán nguyên trạng đối với tài sản đảm bảo tại thời điểm xử lý.

Cũng theo đại biểu Phạm Đức Ấn, đối với quy định bắt buộc kinh doanh bất động sản phải qua sàn giao dịch, Chính phủ đã giải trình tương đối thuyết phục nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, chi phí qua sàn giao dịch chi phí rất lớn nhưng cần có thống kê cụ thể rõ ràng nội dung này để kiểm soát chi phí qua sàn bất động sản như Chính phủ mong muốn…

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận chiều 23/6
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận chiều 23/6

Cùng quan tâm đến vấn đề giao dịch bất động sản, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị, dự thảo Luật nên quy định phương thức thanh toán giao dịch bất động sản là phải chuyển khoản qua ngân hàng bởi việc này thực hiện không khó. Việc thanh toán qua ngân hàng phù hợp với Đề án thanh toán không dùng tiền của Chính phủ. Đây cũng là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra. Đồng thời, là tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan khi có tranh chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đặc biệt, việc này còn góp phần chống thất thu thuế một cách hiệu quả khi giá trị giao dịch bất động sản lớn…

Luật cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Thành phố Hà Nội), dự thảo Luật cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung chương 8 về xây dựng và quản lý dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu đề nghị lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản.

Đồng thời cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Thành phố Hà Nội)

Quan tâm đến sự ổn định của thị trường bất động sản, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam) nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Đại biểu mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra. Để đảm bảo chính sách của Nhà nước cần có 4 yếu tố là tính ổn định của chính sách. Tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu). Phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường.