Ngày 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đô thị và kinh tế đô thị nước ta đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam) cho rằng: Có thể khẳng định, các đô thị và kinh tế đô thị nước ta đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của vùng và của tỉnh. Vai trò đó đã và đang được xác định rõ trong chính sách phát triển.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định mục tiêu đô thị hóa 45%, đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển đô thị. Các nội dung trên đang được thể chế bằng nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này.
"Về thực trạng đô thị hóa và kinh tế đô thị nước ta hiện nay, các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã phác thảo ra một bức tranh sinh động, nhiều điểm sáng về phát triển đô thị trong thời gian qua và trong những năm tới. Một số kết quả ghi nhận đó là hệ thống phát triển đô thị nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng tầm chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu." - Đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Khải thông tin: Năm 1999 nước ta chỉ có 629 đô thị, đến cuối 2018 đã có 819 đô thị. Đến cuối 2019 có tới 835 đô thị. Theo định hướng phát triển đô thị, đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 1.000 đô thị, mức độ đô thị hóa chiếm khoảng 45%. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn không ít các tồn tại cần giải quyết, đó là sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Chất lượng quy hoạch có lúc, có nơi còn thấp, chưa kiểm soát được quá trình biến động dân số tại các đô thị lớn, số lượng các đô thị nhỏ còn nhiều. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là về giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị. Thiếu kết cấu đường giao thông đồng bộ, kết nối đô thị với nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực ven đô thị với các khu công nghiệp.
Để phát triển đô thị bền vững cần có nguồn lực phát triển, nhất là đất đai
Nghiên cứu quá trình đô thị hóa của nước ta trong năm qua cho thấy, hàng triệu công nhân lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đều thiếu hoặc không có khu nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, công trình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Dự báo trong những năm tới, điều kiện môi trường làm việc của công nhân lao động sẽ có những thay đổi quan trọng. Đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hơn dự báo và có khả năng kéo dài, khả năng dứt chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp là khó tránh khỏi trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện 3 tại chỗ để chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất vừa chống dịch.
Mặt khác, sự đình trệ trong cải thiện môi trường sống với hệ quả là công nhân thường xuyên bỏ việc, có thể ảnh hưởng tới môi trường làm việc và quá trình đào tạo lao động lành nghề và giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có nhiều lợi thế.
Bởi vậy, theo đại biểu Trần Văn Khải, để thúc đẩy phát triển đô thị, thực hiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, cần thống nhất nhất quán về nhận thức, quan điểm là phải tận dụng, phát huy tác dụng, tác động tích cực của đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm xây dựng, hoàn thiện luật về quản lý phát triển đô thị.
Ngoài ra, để phát triển đô thị bền vững, cần có nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Thời gian qua còn thiếu vắng của thị trường đất đai minh bạch, rõ ràng đã tác động xấu, làm méo mó quá trình đô thị. Do đó, thị trường đất đai minh bạch là ưu tiên chính sách hàng đầu hiện nay…