Đại biểu Quốc hội: Cắt giảm các khoản chi không cần thiết, sớm đánh giá lại quy định thích ứng an toàn

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết, điều tiết các dự án chậm triển khai, đồng thời, chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Đồng thời, Quốc hội thảo luận: tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024), trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn
Ông Mai Văn Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nói sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình khó kiểm soát. Số ca mắc gần đây tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều vấn đề. Do đó, ông Hải đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn. Từ đó, có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong.
 Đại biểu Mai Văn Hải. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Theo ông, thực tế người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát. "Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng chống dịch, không lây lan cho cộng đồng", ông nói.
Cân đối thu chi, điều tiết các dự án chậm triển khai
Góp ý về vấn đề kinh tế, đặc biệt là cân đối thu chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Tạo "tha thiết đề nghị Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết", điều tiết các dự án chậm triển khai, hoặc triển khai không hiệu quả.
Theo ông, Chính phủ cần phấn đấu tăng thu ngân sách từ các nguồn còn dư địa, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trung hạn cũng cần được quan tâm hơn, lấy đầu tư công để dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư xã hội.
 Đại biểu Nguyễn Tạo
"Chính phủ cần có chế định đủ mạnh để thống kê đất đai, tài nguyên, khoáng sản, mặc dù đây là nguồn lực lớn nhưng số thu rất hạn chế", ông Tạo nêu ý kiến.
Còn đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nói ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam có số lượng lớn vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo lắng dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dịch đang lan rộng, một số địa phương tăng từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3.
Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh, bà Xương đề xuất xây dựng chương trình chống dịch tăng cường khâu điều trị, đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bà Xương đề xuất dùng ngân sách Trung ương để hỗ trợ lao động tự do, bởi ngân sách địa phương đã dành nhiều cho chống dịch.
Hồi tháng 7, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 với tổng số tiền 26.000 tỷ đồng. Trong đó, với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, các tỉnh, thành sẽ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng mỗi người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần