Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc NHNN: “Nóng” chuyện trách nhiệm cá nhân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếp tục phiên chất vấn chiều 24/4, sáng 25/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tiếp tục đăng đàn trả lời hơn 30 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Các câu hỏi vẫn xoay quanh 4 chủ đề “nóng” của hệ thống ngân hàng hiện nay là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thị trường lãi suất, quản lý kinh doanh vàng và việc đảm bảo an toàn hệ thống.

 

Vượt trần lãi suất- Thanh tra bất lực?

Lãi suất là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó “nóng” nhất là việc chất vấn trách nhiệm của NHNN trong việc đưa ra trần lãi suất nhưng lại để các ngân hàng mặc sức vượt trần thời gian trước. Nhiều đại biểu không vừa lòng với câu trả lời của Thống đốc đã chất vấn lại lần 2.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, Thanh tra NHNN đã tiến hành kiểm tra hàng nghìn cuộc kiểm tra lãi suất nhưng không phát hiện được vi phạm. “NHNN thừa nhận yếu kém trì trệ của Thanh tra và xin nhận trách nhiệm, khuyết điểm”- Thống đốc thẳng thắn.

Tuy nhiên câu trả lời này vẫn chưa khiến đại biểu hài lòng.  Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm và việc xử lý cá nhân lãnh đạo NHNN trong việc để các ngân hàng mặc nhiên vượt trần lãi suất chưa. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý trong nội bộ NHNN. Theo đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) thì việc vượt trần lãi suất đã khiến mất người, mất tiền, mất của, mất lòng tin. NHNN ghi nhận ý kiến này và sẽ tiếp tục có những chấn chẩn.

Về lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN kêu gọi sự chia sẻ giữa DN và ngân hàng.

Nhiều đại biểu thắc mắc về việc huy động USD cao nhất là 2% nhưng cho vay ra 8% là ngân hàng lãi quá lớn. Thống đốc cho biết, chủ trương này phù hợp trong điều kiện chúng ta đang chống đô la hóa nền kinh tế, khuyến khích mua bán hơn là vay mượn. Hơn nữa, do nền kinh tế chúng ta thiếu USD nên ngân hàng Việt Nam phải huy động liên ngân hàng ở nước ngoài với lãi suất cao. Bởi vậy, cho vay ra lãi suất 8% là phù hợp chi phi phí vốn và chuẩn mực. Tuy nhiên, câu trả lời này không khiến đại biểu vừa lòng. Ông này cho rằng, với một nền kinh té thiếu USD thì nên huy động USD trong dân mới đúng.

 

SJC là nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước

Dự thảo Quản lý thị trường vàng cũng là mối quan tâm lớn của đại biểu quốc hội. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, Dự thảo xây dựng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Công ty SJC thực ra trực thuộc Thành ủy TP.HCM, tức là cũng của Nhà nước . “Chúng tôi đã bàn với Thành ủy TP.HCM sẽ chuyển công ty này thuộc NHNN. Sau này, nếu có điều kiện và thuận lới, NHNN xin phép và tiến hành có thể đổi vàng miếng thương hiệu SJC sang SJV để đồng bào yên tâm. Còn bây giờ, thương hiệu SJC cũng là nhãn hàng của NHNN”- ông Bình nói.

Ông Bình cũng nêu lên một thực tế là Luật NHNN 1997 quy định NHNN thống nhất quản lý vàng. Nhưng các văn bản dưới luật hoạt động sản xuất vàng lại được phân ra nhiều khúc, NHNN chỉ quản lý nhập khẩu vàng và vàng nguyên liệu liệu; còn các khâu sau coi như hàng hóa bình thường. “Nói đơn giản, một lượng vàng nhập khẩu. Chạy qua máy dập vàng. Đầu nhập NHNN quản lý, còn đầu ra bên kia lại thuộc quản lý Bộ Công Thương. Bởi vậy, việc xây dựng Nghị định quản lý kinh doanh vàng là cần thiết”- ông Bình giải thích.

 

Không có ngân hàng nào không thể tái cơ cấu

Trả lời câu hỏi chất vấn của 3 đại biểu về vấn đề tái cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tái cơ cấu là để nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, đồng thời cũng giải quyết những tồn tại yếu kém trong hệ thống ngân hàng. Quá trình này sẽ được tiến hành theo phương châ thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, tiết giảm tối đa chi phí.

Cụ thể, từ nay đến quý 1/ 2012 sẽ kiểm tra sức khỏe để phân nhóm ngân hàng. Đến hết năm 2012 sẽ có biện pháp giải quyết các ngân hàng yếu kém. Sang năm 2013, NHNN sẽ có kế hoạch xây dựng từ 1-2 ngân hàng trụ cột, đạt chuẩn khu vực. Và đến năm 2015 sẽ tiếp tục tái cấu trúc; cố gắng đưa số ngân hàng đạt chuẩn khu vực lên 4 ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu vấn đề, hiện chúng ta có ngân hàng nào lớn, to quá nhưng chưa chắc đã khỏe, đã mạnh để không thể tái cơ cấu vì sợ đổ vỡ không? Thống đốc NHNN trả lời rằng, chúng ta đang phấn đấu xây dựng TCTD quy mô lớn. Hiện, Agirbank của Việt Nam với mạng lưới rộng rãi, quy mô lớn, hoạt động lâu năm nhưng cũng chỉ ở mức độ khởi đầu, yếu kém về quy mô so khu vực. Một ngân hàng tầm cỡ trung bình khu vực vốn điều lệ cũng xấp xỉ trăm tỷ USD. “Thế nên đại biểu Quốc hội và nhân dân có thể yên tâm, Việt Nam không có tổ chức tín dụng nào to đến mức không thể cho đổ vỡ được”- Thống đốc khẳng định.