70 năm giải phóng Thủ đô

Đại biểu Quốc hội: Đầu tư công cho giáo dục đại học còn thấp

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển.  

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận.

Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Hoàn thiện pháp lý để hỗ trợ các trường đại học tự chủ

Đề cập đến vấn đề giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.

Theo đại biểu, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.

Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.

Kỳ vọng chiến lược phát triển kinh tế biển sẽ tạo ra đột phá

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) đánh giá cao và bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ, kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy vấn đề biển, đảo ít được đề cập, nhất là trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Tạ Đình Thi nêu rõ, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại biểu nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Đảng, được cử tri, nhân dân các cấp, các ngành, nhất là các địa phương có biển rất mong muốn và kỳ vọng chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá....

Theo nhiều chuyên gia, kinh tế biển là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của nước ta dựa trên tiềm năng địa kinh tế quốc gia, thời cơ của thời đại bên cạnh ba trụ cột gồm có nông nghiệp nhiệt đới, du lịch và đô thị. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xem xét, phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đồng thời các ngành, địa phương có biển đã và đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Những quy hoạch này sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những mục tiêu của Chiến lược.

Bên cạnh đó, đến nay đã có 37/42 quy hoạch ngành quốc gia, 4 quy hoạch vùng liên quan trực tiếp đến biển trong số 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 27/28 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, phê duyệt. Qua nghiên cứu và khảo sát, đại biểu cho rằng những vấn đề biển, đảo cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong các quy hoạch trên.