70 năm giải phóng Thủ đô

Đại biểu Quốc hội đề nghị lưu ý đầu tư công cho các hoạt động bảo vệ môi trường

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận trực tiếp tại hội trường sáng 4/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề ưu tiên bố trí cho các dự án, công trình đầu tư công...

Ưu tiên bố trí đầu tư công cho một số dự án, công trình
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Long An) đề nghị lưu ý đầu tư công cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 73 của Chính phủ, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 807 phê duyệt Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 30 bãi rác và 70 điểm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng sẽ được ưu tiên xử lý. Đầu tư xây dựng ba dự án xử lý nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai. Tổng kinh phí cho chương trình này là 4.648 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn bố trí cho chương trình này chỉ có 535 tỷ đồng, bằng 11% so với dự kiến. Việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến các mục tiêu trong chương trình này đến nay không đạt được như dự kiến kế hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ bố trí vốn cho xử lý triệt để ô nhiễm môi trường thấp, tỷ trọng cơ cấu đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải rất thấp, chỉ đạt 0,3%.
 Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi)
Trong khi đó, mục tiêu chung trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đề cập chung là chú trọng bảo vệ môi trường nhưng trong mục tiêu, định hướng, cơ cấu cụ thể lại không đề cập nội dung nào đầu tư cho bảo vệ môi trường. Trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa có dự kiến danh mục dự án mới. Tại danh mục dự án chuyển tiếp cho giai đoạn này của 63 địa phương cũng chỉ có duy nhất một dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là ở tỉnh Quảng Ninh.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tổng kết chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm về chủ trương và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; và đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và nâng cấp sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội cho Côn Đảo.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn tỉnh Lai Châu) cho biết dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2015-2020, được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tại Quyết định số 4295 ngày 28/10/2016, song giai đoạn này chưa bố trí giao vốn, nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét, bố trí vốn vào Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 để tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đáp ứng sự chờ đợi, mong mỏi nhiều năm nay của đồng bào nhân dân các dân tộc.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) lưu ý đến việc bảo đảm nguồn lực đầu tư công trung hạn để kịp thời nâng cấp 1.200 hồ chứa sửa chữa 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, có giải pháp phù hợp với 4.000 hồ do cấp huyện, xã đang quản lý trong điều kiện nguồn lực rất khó khăn. Đồng thời, xây dựng bản đồ vùng ngập lụt, sạt lở, quản lý hành lang thoát lũ theo phân cấp nhằm ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn vùng hạ du; xây dựng đề án đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2020-2030.
Không để địa phương nào ở lại phía sau
Về các giải pháp cho giai đoạn tới, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị cần đánh giá toàn diện xuất khẩu lâm sản có liên quan đến thực trạng khó khăn khi tăng diện tích trữ lượng rừng trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp. Để tiếp tục khai thác, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đề nghị tiếp tục nâng mức khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, mức đầu tư cho trồng mới rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và hỗ trợ trong rừng sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chọn, tạo giống, quản lý rừng, khai thác, chế biến lâm sản góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm lâm nghiệp. Thực hiện hiệu quả trong rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven sông, biển, đầu nguồn, trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác, nâng giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản phòng hộ của rừng. Phát triển vùng dược liệu gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững. Thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 thành ngành kinh tế - kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng cho rằng cần ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, quản lý an toàn giao thông. Phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng các nguồn năng lượng. Ưu tiên khai thác, quản lý hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với giá thành hợp lý. Tiếp tục rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch các thủy điện không phù hợp, hiệu quả, xóa bỏ độc quyền trong dịch vụ hạ tầng năng lượng, đầu tư hệ thống truyền tải điện. Tiếp tục hoàn thiện dữ liệu thống kê năng lượng phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngành năng lượng quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho rằng trong giai đoạn tới cần phải xác định lĩnh vực công nghiệp là mục tiêu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp phát triển công nghiệp là thu hút vốn đầu tư FDI. Đồng thời, cần phải bổ sung quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, giải pháp quy hoạch xét duyệt các dự án đầu tư một cách chu đáo và chặt chẽ, không dàn trải, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đẩy nhanh hoàn thành công trình các dự án.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị Chính phủ và các ngành cần phải quan tâm đến việc không để ai ở lại phía sau đồng hành thực hiện mục tiêu không để tỉnh nào ở lại phía sau. Điều này nhằm khắc phục thực tế, các tỉnh, thành phố đã có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn, doanh nghiệp, còn tỉnh nào đã khó khăn lại càng khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI.
Trong khi đó, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Đoàn tỉnh Hoà Bình) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và xây dựng chính sách định hướng chiến lược phát triển đất nước nói chung và cơ chế chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng nhằm giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn trước mắt và lâu dài.
Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, để việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có hiệu quả, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tạo lập các mối quan hệ liên kết kinh tế - thương mại đối với các tỉnh trong cả nước, nhằm tạo thế mạnh nhất định về sản xuất và xuất khẩu. Xây dựng các mô hình liên kết, chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ như chế biến nông, lâm sản, dược liệu, dịch vụ để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều với 4 nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho nhân dân; sức khỏe và dinh dưỡng; giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc đi đôi với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Thực hiện bình đẳng giới và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện công bằng cùng tiến bộ để đạt được mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy chia sẻ, Tây Bắc là địa bàn luôn ẩn chứa những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia, là nơi các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn ra khá phức tạp như buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới. Hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do quản lý, khai thác và sử dụng kém hiệu quả. Vì vậy, Tây Bắc vẫn là nơi có nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, các đề án của Chính phủ liên quan đến chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và quan tâm hỗ trợ thị trường lao động, tạo việc làm cho những sinh viên là người dân tộc thiểu số sau tốt nghiệp đại học. Đổi mới chế độ tuyển dụng và sử dụng lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi triển khai đến người dân như là Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.