Đại biểu Quốc hội đề nghị vì sinh mạng của Nhân dân nên cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/3, tiếp tục phiên họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận về Dự thảo luật, đa số đại biểu đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
Không nên quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy 
Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quy định tại Chương III còn nhiều điểm chưa phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần đã có những thay đổi sau khi Luật Dược được ban hành năm 2006 và sửa đổi toàn diện năm 2015.
 Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội
Cụ thể, quy định tại các khoản 26 Điều 2 Luật Dược năm 2016 các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát, đặc biệt bao gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp chứa chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, thuốc phóng xạ và nguyên liệu làm thuốc, dược chất hướng thần, gây nghiện, tiền chất, lạm dụng thuốc để sản xuất các loại thuốc trên. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 15 của dự thảo luật thì chỉ có hoạt động tồn trữ, bảo quản, kê đơn, cấp phép sử dụng, tiêu hủy, kinh doanh đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở có hoạt động dược không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược vẫn được dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về dược là chưa đầy đủ.
Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng, theo quy định của Luật Dược thì Bộ Y tế đã có cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về dược nói chung, trong đó có việc kiểm soát đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc. Với quy định như dự thảo luật thì hoạt động kiểm soát gây nghiện thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, dược chất sử dụng làm thuốc là một trong những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nên theo quy định tại khoản 4 Điều 44, khoản 2 Điều 45 thì Bộ Công an được giao là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý hoạt động này.

"Như vậy, cùng một hoạt động kiểm soát hợp pháp đối với thuốc gây nghiện, thuốc, hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc nhưng có 2 bộ quy định. Quy định như vậy là có sự chồng lấn về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, chưa đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương là thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính." - Đại biểu Võ Đình Tín nói.
Đại biểu Võ Đình Tín đề nghị không quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong dự thảo Luật Phòng chống ma túy để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Dược.
Trường hợp có quy định trong dự thảo luật thì chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc dẫn chiếu sang Luật Dược để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để tránh tùy tiện trong thực hiện.
Cho ý kiến vào Dự thảo luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, so với dự thảo được trình tại kỳ 10 dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến, nhiều quy định bám sát tình hình thực tế.
 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc hội
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị dự thảo cần hoàn thiện Chương 2 về Trách nhiệm phòng, chống ma túy. Trong đó có quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của các cơ quan báo chí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác ;… nhưng lại không quy định trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, quy định cần bổ sung trách nhiệm của những đối tượng này trong việc thực hiện các biện pháp quản lý của chính quyền địa phương.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan phòng chống ma túy trong khâu thu giữ, bảo quản ma túy; quy định về cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập cần có chính sách hỗ trợ kinh phí từ phía nhà nước để khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở cai nghiện ngoài công lập tiến tới xã hội hóa.
Góp ý vào Khoản 12, Điều 2 về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn tỉnh Nghệ An) bày tỏ băn khoăn về khái niệm người nghiện ma túy tại dự thảo Luật là không còn phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị bổ sung như sau: “Người nghiện ma túy là người sử dụng trái phép chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.”
Cho ý kiến về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng mặc dù biện pháp cai nghiện này có nhiều bất cập, còn chưa hiệu quả, tuy nhiên vẫn cần thiết tiếp tục duy trì hình thức này.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, góp phần đảm bảo bình đẳng về cơ hội được cai nghiện ma túy tự nguyện đối với người nghiện ma túy khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn đồng thời huy động được sự tham gia và thể hiện được trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, quy định rõ thời gian cai nghiện, quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;…
Cần sớm có quy định cấm thuốc lá điện tử lưu hành tại Việt Nam
Thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định nhằm hoàn thiện dự thảo luật trước khi biểu quyết thông qua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc do lái xe sử dụng chất ma túy vì vậy, trường hợp này cần có quy định cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh những tác hại, hệ lụy của thuốc lá điện tử đang được lưu hành và sử dụng tràn lan hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, thuốc lá điện tử đang nhắm chủ yếu đến người trẻ tuổi và lan rất nhanh, vì vậy gây hại rất nghiêm trọng cho thế hệ trẻ. Thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để cho người hút sử dụng ma túy do đó cần cấm, đừng để phải giải quyết hậu quả khi tác hại đã quá lớn.

Trên thế giới đã có nhiều nước lên án và đề nghị cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử. Tại diễn đàn Quốc hội, thêm một lần nữa đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ vì sinh mạng của Nhân dân nên có quy định cấm ngay, cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thiết tha: “Xin đừng chậm trễ. Nếu chúng ta chậm trễ có thể sẽ phải trả giá bằng sự băng hoại sức khỏe của Nhân dân và rồi đây có thể phải tốn một khoản kinh phí khổng lồ để chấm dứt một loại hình độc hại giết người có tên là thuốc lá điện tử.”

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho rằng, trong một số trường hợp quyết định của các nhà quản lý không biết vô tình hay hữu ý lại tạo thêm sơ hở cho công cuộc phòng, chống ma túy vốn đang rất khó khăn, phức tạp.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân dân chứng mới đây nhất, theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, ngày 11/12/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 3458 công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng, trong khi chính sách này vẫn chưa được đánh giá tác động đầy đủ về kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với sức khỏe cũng như tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trá hình phối trộn ma túy.

Quan trọng hơn, theo đại biểu, người đứng đầu Chính phủ đến nay vẫn chưa có quy định nào cho phép lưu hành loại thuốc lá làm nóng, nhưng nó đã “chễm chệ” trong bộ tiêu chuẩn quốc gia. “Có phải chỉ vì cái tên mỹ miều là thuốc lá thế hệ mới, hay còn lý do nào khác” – đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề và cho biết 24 quốc gia khác cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, 17 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá nung nóng và phần lớn các quốc gia ASEAN đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy công lập; cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu nghiêm túc, tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự án Luật, đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành. Trong buổi thảo luận ở hội trường hôm nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật như: việc quản lý tiền chất ma túy, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý liên quan đến các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, việc chấp hành hình phạt tù của người từ 12 đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 đến 18 tuổi, trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy...
Những vấn đề trên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định, các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và sẽ có báo cáo với Quốc hội quyết định việc thông qua dự án Luật Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án Luật Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng chống ma túy trong những năm qua; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy./.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Dự thảo luật có nhiều điểm mới như: Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy; quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy; bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy;...