Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội đề xuất tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng dịch bệnh phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động, đó là nhà ở và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động.

Chiều 8/11, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022. 
 ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Media Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đánh giá: Dịch Covid-19 "tấn công" trực tiếp vào lực lượng công nhân lao động và các khu công nghiệp gây hậu quả hết sức nặng nề, hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều triệu lao động mất việc làm phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nghỉ không lương. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ bữa ăn công nhân thực hiện 3 tại chỗ, một cung đường, hai điểm đến. Tặng sổ tiết kiệm cho con công nhân lao động mồ côi do dịch Covid-19, ủng hộ quỹ vaccine phòng chống dịch tiếp sức đồng bào vượt qua đại dịch với tổng số tiền hỗ trợ tính đến nay là hơn 6.000 tỉ đồng.
Đại biểu cho biết thêm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kịp thời cho lùi đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn với doanh nghiệp, đoàn viên khó khăn do Covid-19. Đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên các cấp cùng cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp. Tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, hỗ trợ công nhân lao động vượt khó khăn.

Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn ra đời. Phát huy hiệu quả được chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng, tuyên truyền, triển khai, giám sát thực hiện các gói hỗ trợ Chính phủ và các chính sách hỗ trợ từ các địa phương, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp, gíup phần lớn người lao động giảm bớt khó khăn trong đại dịch, yên tâm ở lại doanh nghiệp sản xuất thực hiện ai ở đâu, ở đó, thực hiện giãn cách đội ngũ cán bộ công đoàn, công nhân lao động.

Tuy nhiên, từ thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua cho thấy, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công nhân lao động, trong đó có một số vấn đề lớn.

Thứ nhất, dịch bệnh phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động, đó là nhà ở. Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao. 

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng, tạo cơ chế công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê mua. Ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ giúp công nhân an cư lập nghiệp cũng là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại.

Thứ hai, phần lớn công nhân không lao động thì cũng hết thu nhập, không thể duy trì cuộc sống sau khi doanh nghiệp ngừng hoạt động một vài tháng. Điều này cho thấy thu nhập của công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. 
Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp thúc đẩy vấn đề tiền lương tối thiểu, đã hai năm liên tục ta chưa thể tăng lương tối thiểu vì dịch bệnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các gói hỗ trợ người lao động của doanh nghiệp có những nội dung chưa khả thi, khó thực hiện việc triển khai có lúc chưa kịp thời. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tất cả gói hỗ trợ đều đến được với người lao động, hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. 

Thứ ba, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động, phương thức quản trị doanh nghiệp, cách thức làm việc của người lao động. Để khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, vấn đề sống còn là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Những năm qua, công tác này được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn ở mức rất thấp. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn cả chính sách nguồn lực, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. Cần đưa công đoàn là một chủ thể tham gia vào quá trình nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động với các chính sách, nguồn lực cụ thể.

Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải có gói tài khóa đủ quy mô để phục hồi kinh tế, tập trung đầu tư củng cố hạ tầng, chú trọng vào hạ tầng, logistics, củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động.

Cuối cùng, Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành kịp thời là bước tiến rất quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần đảm bảo đồng bộ, linh hoạt, phù hợp tình hình địa phương, không thể buông lỏng, cũng không để có những rào cản cực đoan thái quá, sớm hồi phục quy trình sản xuất, tạo việc làm, khôi phục thị trường lao động.