Chính sách hỗ trợ còn thiếu minh bạch
“Tiếp tục tạo thuận lợi nghiên cứu ban hành chính sách dưỡng sức DN, giảm mạnh mẽ các loại thuế phí với DN, tôi cho là giải pháp rất hay. Tuy vậy, nhưng vẫn có những vết nhám”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề.
ĐB tán thành với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân còn vướng mắc, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện và có nhiều rào cản thủ tục với DN để tiếp cận chính sách. Quá trình thực hiện một số chính sách hỗ trợ DN còn thiếu minh bạch và chưa bảo đảm công bằng. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo gánh nặng chi phí và cản trở DN phát triển.
Nêu một số dẫn chứng về rào cản như trường hợp một DN ở Thanh Hóa, đại biểu Nhưỡng cho biết “đã báo cáo Thủ tướng 2 lần, nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh”. Một ví dụ khác là DN ở KCN Việt Hưng, 3 bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi rường, công nghệ tốt, nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho họ làm, dù họ đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
"Một cựu chiến binh khi kinh doanh đã từng nói với tôi rằng: Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ như thế, mà giờ làm kinh tế khó thế” - ông Nhưỡng nói.
Phải “trên nóng, dưới nóng, giữa cũng phải nóng”
Đại diện tiếng nói cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng TMCN Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) tỏ ra lo ngại về mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển DN vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng DN chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.
“Mười mấy năm trước khi còn tại nhiệm, Cố thủ tướng Phan Văn Khải - vị Thủ tướng của Luật Doanh nghiệp đã đưa ra mục tiêu nước ta phải có 500 ngàn DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2010 nhưng chúng ta đã phải trễ hẹn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này. Vậy lần này đặt ra mục tiêu 1 triệu DN của Chính phủ có thêm 1 lần lỡ hẹn?”- ĐB Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.
Vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực xây dựng quốc gia khởi nghiệp và nói rất nhiều về cuộc CM4.0 nhưng chúng ta mới chỉ có 600 ngàn DN đang hoạt động và để đạt mục tiêu 1 triệu DN, mỗi năm chúng ta phải có ít nhất thêm hơn 200 nghìn DN ra đời trong khi tốc độ thành lập DN mới DN đang giảm dần còn trên 5 triệu hộ kinh doanh lại không muốn lớn thành DN.
Điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có một chế độ kế toán đơn giản, và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ như các nước đã làm, để đảm bảo những DN này không chỉ bất lợi mà phải được đối xử công bằng như các DN lớn. Giải pháp này phải cộng hưởng với nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là giảm giấy phép con và cởi trói cho DN thủ tục hành chính với phương châm chính sách là cởi trói cho DN trên tinh thần thực thi là “trên nóng, dưới nóng và giữa cũng phải nóng”.
Đồng tình với Lộc phải khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa lạnh”, ĐB Triệu Tài Vinh (Hà Giang) bày tỏ trong kì họp này QH sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về CPTPP. Để hội nhập CPTPP có hiệu quả thì DN phải đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Theo ĐB, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế. Những hạn chế đó không chỉ mất lợi thế mà đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và trước cuộc cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch diễn biến khó lường. Chính phủ cần tập trung nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, đồng thời đánh giá lại hiệu quả việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để có giải pháp giúp cho DN phát triển.